Trung Quốc là thị trường lớn, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của Việt Nam là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà Trung Quốc cần.
Hiện nay, riêng mặt hàng nông sản có tăng trưởng xuất khẩu (XK) cao nhất, đạt 61%. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ phần lớn sản lượng nông sản XK bằng đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Được mùa lo đầu ra
Đơn cử như với mặt hàng dưa hấu, theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sản lượng dưa hấu năm 2017 cả nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Dưa hấu chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm khoảng 80% và XK khoảng 20%, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng XK.
Để từng bước chủ động và ổn định thị trường đầu ra, Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay, dưa hấu đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch nhưng việc tiêu thụ vẫn chưa có đối tác thu mua.
Cùng với đó, báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy vải, nhãn năm nay hứa hẹn sẽ được mùa, năng suất sản lượng tăng cao so với mùa vụ năm 2017. Sản lượng vải 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Hưng Yên ước đạt trên 217.000 tấn (tương ứng 150.000 tấn, 55.000 tấn và 12.000 tấn). Với nhãn, sản lượng khoảng 80.000 tấn (Hưng Yên 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn).
Tuy nhiên, cả vải và nhãn đều có lo lắng chung về đầu ra. Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, lo ngại do thu hoạch trùng với thời điểm thu hoạch vải ở Bắc Giang và Trung Quốc nên những năm được mùa, sản lượng lớn, vải Hải Dương thường bị mất giá do cung vượt cầu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết sản lượng vải đạt 150.000-180.000 tấn nên gây áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do thời gian thu hoạch ngắn, chủ yếu bảo quản trong thùng xốp ướp lạnh nên việc vận chuyển đi xa gặp khó khăn.
Hay với vùng nhãn Sơn La, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết chưa có doanh nghiệp (DN) lớn nào tới Sơn La kết nối tiêu thụ, thông tin thị trường còn thiếu. Ví dụ Trung Quốc là thị trường lớn nhưng thông tin thị trường cũng rất hạn chế. Ông Khánh đề nghị Bộ NN&PTNT giúp Sơn La kết nối với thị trường Trung Quốc.
Song, chính đại diện Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng lo ngại về việc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa có nội dung thông báo tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa quả nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.
Từ 1/4/2018, DN Trung Quốc phải xin giấy phép nhập khẩu và cung cấp hình ảnh bao bì truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, cần lưu ý DN Việt để có bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.
Làm sao để XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vẫn là câu hỏi làm “đau đầu” cho cả nhà quản lý và doanh nghiệp |
Mất giá vì không bao bì
Về lo ngại tỉnh Quảng Tây yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với nông sản XK, bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá đây là chính sách_mới, các DN và nông_dân cần có những hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.
Bà Hà đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đàm phán với Trung Quốc_về vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm,_cũng như_sớm hướng dẫn cụ thể để_địa phương có thể thực hiện.
Tại Bắc Giang, bà Hà cho biết vải XK vẫn được bảo quản trong thùng xốp, vận chuyển xa, kém cạnh tranh. Vì vậy, các bộ ngành cùng DN tiêu thụ nên hỗ trợ địa phương trong khâu bảo quản, chế biến, xây dựng bao bì nhãn mác.
Đồng thời, bà Hà kiến nghị thêm: Cục Bảo vệ thực vật bố trí trạm kiểm dịch lưu động tại vùng trồng vải để cấp chứng thư tại chỗ cho DN XK vải sang Trung Quốc và các nước thay vì cấp chứng thư tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, “đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt mô hình thông quan 2 quốc gia, 1 cửa”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết tỉnh Lạng Sơn hiện đã đầu tư đường ra 12 cửa khẩu giáp Trung Quốc, xây dựng bến bãi tập kết, tạo mọi thuận lợi cho hoa quả XK, mở một số cửa khẩu chuyên để XK hàng, tổ chức phân luồng sớm để tránh ùn ứ, kéo dài thời gian thông quan tới 9 giờ đêm và đặc biệt đàm phán với phía Trung Quốc để thông quan cả ngày nghỉ… Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là hàng hóa của Việt Nam XK qua đường tiểu ngạch thường không có bao bì, nhãn mác.
Ông Trưởng dẫn chứng: dưa hấu mỗi ngày XK hàng nghìn xe nhưng không đóng gói, thường cho rơm rạ lót dưới, dẫn tới phía Trung Quốc yêu cầu toàn bộ xe phải nộp phí kiểm dịch. Chưa kể XK sang bên Trung Quốc, họ đóng gói xong giá cao hơn gấp đôi. Như vậy là họ được lợi hơn chúng ta.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng khuyến nghị DN, hiệp hội khi thấy XK hoa quả có ùn ứ thì khuyến cáo bà con giảm thu hoạch, giảm vận chuyển lên biên giới.
Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, kiến nghị để XK dưa hấu nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung sang Trung Quốc, các địa phương cần tăng cường xây dựng các vùng sản xuất tập trung phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo nông sản có chất lượng, cũng như phân loại, đóng gói bao bì phù hợp theo thực tế yêu cầu.
“Như vậy mới tiến tới chuẩn hóa các hình thức mua bán theo thông lệ quốc tế đảm bảo việc giao nhận hàng hóa được thuận lợi, nâng cao khả năng thông quan, tránh được tình trạng rủi ro trong XK hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc”, ông Hải nói.
Khẳng định việc tiêu thụ vải, nhãn cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, bộ ngành liên quan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã cử người sang Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Mạnh Trường - Tổng Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Hương Việt 10 năm nay, chúng tôi đã thực hiện thu mua vải thiều, những năm trước chủ yếu tiêu thụ trong nước. Gần đây, chúng tôi triển khai tiêu thụ sang Trung Quốc với số lượng 3.000 - 4.000 tấn/năm. Tuy nhiên, quả vải gặp thách thức nhất là thời gian bảo quản ngắn. Vì vậy, phải có công nghệ chế biến sâu, làm sao để có thể bảo quản lâu hơn nữa thì DN mới có thể thu mua số lượng lớn hơn. Ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng SơnTrung Quốc yêu cầu Lạng Sơn kiểm soát chặt chẽ hàng hóa từ cửa khẩu, hiện nay, Trung Quốc đang rào chắn 78 điểm, 70km đường biên giới nơi có hàng xuất sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc đang áp dụng chính sách chính ngạch, dán tem truy xuất nguồn gốc, kiểm tra bao bì nhãn mác từ 1/4. Chính vì vậy, để hàng hóa thuận lợi xuất sang Trung Quốc, các địa phương cần tuyên truyền đến các DN, các đơn vị tiêu thụ chú trọng đến đóng gói bao bì nhãn mác sản phẩm, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng giá bán, thuận lợi xuất hàng sang Trung Quốc. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Việc một số sản phẩm của chúng ta bị ùn ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kênh không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch, đây là kênh mà cả hai bên đều không kiểm soát được về chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi phía Trung Quốc siết chặt thì chúng ta lập tức khó khăn. Vì vậy, bà con nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với DN, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản XK Việt Nam. |