Tại hội thảo về trao đổi kinh nghiệm quản lý, xử lý, tiêu thụ tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện xả ra mỗi năm được tổ chức sáng 20/4 tại Đông Triều (Quảng Ninh), Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than lên tới khoảng 12,2 triệu tấn/năm.
Trong đó, lượng phát thải tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc, chiếm 60% tổng lượng thải; tại miền Trung chiếm 21% và miền Nam là 19%.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, đây là một trữ lượng lớn. Tuy nhiên, trong năm 2017, lượng tro xỉ tiêu thụ chỉ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh, trong đó chủ yếu là ở miền Bắc với lượng tiêu thụ khoảng 3,25 triệu tấn.
Hiện nay, tình hình tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện đang được vận hành theo cơ chế thị trường. Sản lượng tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc nhu cầu của thị trường.
Lý do sản lượng tiêu thụ tro xỉ còn hạn chế vì thị trường vẫn quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, đặc biệt là ở hai khu vực miền Trung và miền Nam. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc tiêu thụ tro xỉ tại khu vực này gặp nhiều khó khăn, trong khi việc tiêu thụ tại khu vực phía Bắc thuận lợi hơn.
Ngoài ra, giá thành gạch không nung cao. Đặc biệt, do chi phí vận chuyển nguyên liệu, vận chuyển sản phẩm tới nơi tiêu thụ lớn nên việc tiêu thụ tro xỉ của các trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh) còn khó khăn.
Các chuyên gia cũng cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng chưa mặn mà với tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện vì vẫn còn thiếu các chính sách về thuế (thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, thuế tài nguyên và môi trường đối với các sản phẩm gạch nung truyền thống) để tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung với gạch không nung.
Vũ Hồng