Cụ thể, tại Báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành số 555/2022/TTĐT ngày 27/6/2022 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về kiến nghị hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.
Tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55% vì giá xăng dầu tăng cao. |
Theo Báo cáo trên, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB&XH xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao nên chi phí nhiên liệu của các tàu cá trên đang đội thêm khoảng 3.766 tỷ đồng/tháng, điều này khiến tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình khó khăn trong việc khai thác thủy hải sản, hiện hơn 50% tàu cá phải "nằm bờ" vì giá xăng dầu tăng quá cao. Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu giảm do giá vật tư đầu vào tăng mạnh.
Cũng bởi tình trạng này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm nay.
Thy Lê