Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ LĐ-TB&XH về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao.
Đến thời điểm hiện nay tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%. |
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua cùng với sự phát triển chung của các ngành kinh tế, ngành khai thác thủy sản đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nước ta, sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3,435 tỷ USD.
Đặc biệt ngành khai thác thủy sản đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600 nghìn ngư dân trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển; sự có mặt của tàu cá khai thác trên biển còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.
Bộ NN&PTNT cho biết tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá có chiều dài từ 6m đến 1 m, khai thác vùng ven bờ là 42.642 chiếc; tàu cá từ 12 - 15m, khai thác vùng lộng là 18.683 chiếc; tàu cá từ 15m trở lên, khai thác vùng biển khơi (xa bờ) là 30.391 chiếc. Làm các nghề chủ yếu như: Nghề lưới kéo; nghề lưới vây; nghề lưới rê; nghề câu; nghề chụp; nghề lồng bẫy và dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản.
Nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/lít đến ngày 20/6/2022 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít). Như vậy chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.
Trong khi đó chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%. Trong khi đó, giá bán hải sản tăng không đáng kể.
Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Tính chung cả nước đến thời điểm hiện nay tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê,.... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân do ngừng sản xuất, không tìm được việc làm phù hợp trên bờ, không có thu nhập, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình xã hội trong công đồng cư dân ven biển, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB&XH xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.
Cụ thể, đối tượng hỗ trợ là thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 06 tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.
Thy Lê