Các đại biểu Quốc hội biểu quyết tại phiên họp. |
Cuối năm 2018, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Để thực thi hiệp định, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Trước đó, vào ngày 20/5/2019 và ngày 31/5/2019, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành và việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này, một số ý kiến góp ý về các nội dung cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đề cập tới điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng tập trung việc bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại nội dung về bằng cấp, trình độ đào tạo chuyên môn của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm để quy định phù hợp.
Trong báo cáo giải trình của UBTVQH, tư vấn bảo hiểm với tư cách là một dịch vụ phụ trợ bảo hiểm độc lập có sự khác biệt so với việc tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm do đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành , liên quan tới những vấn đề phức tạp như quản trị rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất…, do đó, đòi hỏi cá nhân cung cấp dịch vụ phải có trình độ chuyên môn cao.
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, quy định về trình độ chuyên môn của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm đã được chỉnh lý như thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 93b của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề như sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó dự thảo Luật đã bổ sung điều khoản chuyển tiếp về: Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí, chỉ dẫn địa lý; Thủ tục hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của các đơn; Thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn; Các thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Về một số ý kiến đề nghị giải trình về việc áp dụng hồi tố từ ngày 14/01/2019 đối với một số đơn, yêu cầu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, UBTVQH nhận thấy Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Vì vậy, quy định về thời điểm áp dụng từ ngày 14/01/2019 đối với một số đơn, yêu cầu, thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết và phù hợp, đồng thời, xin được tiếp thu ý kiến ĐBQH làm rõ hơn quy định này tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật.
Hoàng Hà