Ông Nguyễn Văn Quyến - người sáng lập và hiện là Giám đốc HTX Mỹ nghệ Hoa Mai (Lào Cai), từ làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ (TCMN) - Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội), đã theo lời mời gọi đầu tư của đoàn cán bộ thị xã Lào Cai lên xây dựng chương trình phát triển nghề mộc mỹ nghệ truyền thống tại Lào Cai.
Người từ miền xuôi
Năm 2003, trong một lần đi thăm người bạn chiến trường tại thành phố Lào Cai, ông Quyến bỗng bén duyên với miền đất này dù mới tới lần đầu.
Những năm đầu, HTX hoạt động hết sức khó khăn, trụ sở làm việc phải thuê mượn, cả HTX lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn 22 người kể cả xã viên và NLĐ, vốn hoạt động 500 triệu đồng.
Thời điểm đó, HTX sử dụng sức lao động của người lao động là chính, máy móc trang thiết bị được áp dụng rất ít. Chưa kể, ở miền núi, nghề mỹ nghệ truyền thống là cái gì đó rất mới lạ, nên lao động chính, thợ lành nghề của HTX đều phải tuyển từ các làng nghề vùng xuôi.
Tuy nhiên, được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, Liên minh HTX địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của Chủ nhiệm, Ban Quản trị, thành viên và người lao động, HTX đã duy trì và ngày càng phát triển.
Đặc biệt, từ năm 2012, HTX đã thay đổi các cơ cấu quản lý, tổ chức lao động, đặc biệt là mua sắm trang bị thêm các loại máy móc phục vụ công việc như máy chà, máy khoan, máy cắt, máy cưa xẻ, máy bào, máy lọng nền, máy đánh giấy giáp...
Cùng với sự mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, HTX còn có sự đổi mới về khoa học công nghệ, đầu tư các máy móc trang thiết bị mới vào hỗ trợ công việc lao động thủ công sang cơ giới máy móc nhiều hơn.
Việc áp dụng thiết bị máy móc các loại công nghệ cao đồng bộ từ máy pha chế nguyên liệu thô đến máy hỗ trợ làm tinh xảo sản phẩm giúp tăng suất tới 5 lần so với gia công thủ công và tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào.
Đầu năm 2014, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng thêm một phân xưởng sản xuất 2.016m2 trong khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (Tp.Lào Cai).
Chưa dừng lại ở đó, HTX còn phối hợp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hộ gia đình, người nông dân trồng rừng, khai thác và sản xuất chế biến lâm sản, từ đó bao tiêu thu mua nguyên liệu để phục vụ cho HTX sản xuất. HTX cũng kết hợp với các doanh nghiệp thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm của HTX sản xuất ra thị trường trong và ngoài nước.
HTX hiện có gần 30 lao động là thành viên chính thức |
Lấy con người làm gốc
HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến công, Trường Công nhân kỹ thuật Lào Cai, Trung tâm Giới thiệu việc làm Tp.Lào Cai tổ chức hàng chục lớp học với hàng trăm học viên, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở các huyện, thành phố trong tỉnh, nhất là lao động tại các khu tái định cư.
“Số lượng lao động được tham gia lớp đào tạo do HTX tổ chức tuy chưa nhiều, nhưng quan điểm của HTX là đã đào tạo là phải thực chất, lao động được đào tạo phải là người thực sự giỏi về tay nghề, có đạo đức nghề nghiệp, thực sự tâm huyết với nghề”, Giám đốc Nguyễn Văn Quyến tâm sự.
Nói là chưa nhiều, nhưng đến nay, HTX đã đào tạo hơn 300 lao động có tay nghề giỏi, có đạo đức nghề trong sáng.
Nhiều người sau vài năm được đào tạo vững tay nghề ở HTX đã mở cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh riêng và đã có những thành công đáng kể. Với mỗi người đó, ông Quyến luôn là người đầu tiên đến chúc mừng.
Nhưng không phải ai cũng lựa chọn như vậy, đến nay đã có gần 30 lao động đăng ký gắn bó với HTX lâu dài khi chính thức trở thành thành viên của HTX. Hằng ngày, họ vẫn hăng say làm việc, sáng tạo miệt mài. Họ tự hứa với bản thân rằng không hoàn toàn vì thu nhập mà còn là uy tín, vì sự lớn mạnh của HTX mỹ nghệ Hoa Mai nơi họ đang vun đắp.
Nhờ đó, HTX đã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo được đầu vào và đầu ra sản phẩm ổn định. Việc đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng như nâng cao chất lượng người lao động, HTX đang càng ngày càng phát triển.
Đến hết năm 2017, doanh thu của HTX đạt 9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế 300 triệu đồng, tạo thu nhập 4,5 triệu đồng/ tháng/người lao động; nộp ngân sách 65 triệu đồng và đóng góp 85 triệu đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện.
Tuy nhiên, trong sự phát triển của thời đại mới, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, quy mô và năng lực sản xuất của HTX vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và lợi thế của mình.
Một trong những khó khăn có thể dễ nhận ra là thiết kế, sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ mang đặc thù bản sắc văn hóa địa phương phục vụ cho du lịch còn hạn chế.
Việc góp vốn của các thành viên để HTX phát triển sản xuất còn ít. HTX vẫn phải vay vốn cho đầu tư sản xuất, nhưng lại khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngắn và trung hạn do nhiều yêu cầu của các tổ chức tín dụng cũng như yêu cầu về hồ sơ vay vốn.
Hồng Nhung