Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tổng hợp, trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội và ngành Kế toán Doanh nghiệp, trường Cao đẳng Tài chính Thái Nguyên, Thảo nhận ra quê hương là chỗ dựa bình yên nhất. 23 tuổi, Thảo trở thành cán bộ công tác tại xã Khuôn Hà với khát vọng được cống hiến, làm điều gì đó cho quê hương.
Từ bé Thảo đã thấy các hộ dân trong bản tự làm nhiều vật dụng bằng mây, tre, tế. Sản phẩm bền đẹp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, xu hướng hiện đại sử dụng đồ nhựa, inox tràn về khắp bản làng đã làm mai một đi nghề truyền thống. Vậy là, ý tưởng khôi phục lại làng nghề trong cô gái Tày bắt đầu nhen nhóm.
Gắn sản xuất với tự nhiên
Tìm kiếm và gặp gỡ những người bạn cùng chung ý tưởng là Hoàng Văn Tuyên, Quan Văn Tuân, Nguyễn Văn Giang, Chẩu Văn Dụ… nhóm bạn đã thử nghiệm làm các sản phẩm quen thuộc như: cốc, thìa, dĩa bằng tre, giỏ xách bằng cây tế, đũa bằng thân cau.
Mặt hàng được trưng bày, giới thiệu tại các homestay xã Khuôn Hà, Lăng Can và nhận được những phản hồi tích cực từ khách du lịch. Sau khi thăm dò thị trường thành công, nhóm bạn bắt đầu với ý tưởng khởi nghiệp và tạo ra thu nhập từ hệ sinh thái vốn có của quê hương.
Thảo cho biết giờ người dân trong độ tuổi lao động, nhất là lớp thanh niên đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất nhiều. Thảo muốn mọi người thấy rằng có thể sống được trên mảnh đất này, dựa trên những chất liệu, hệ sinh thái sẵn có.
Vì vậy, Thảo cùng nhóm thanh niên quyết định thành lập HTX Nhật Minh chuyên phát triển, sản xuất các sản phẩm thủ công có nguồn gốc từ địa phương. Mục đích hoạt động của HTX là gắn sản xuất với tự nhiên, khai thác thiên nhiên xung quanh theo hướng bền vững.
“Tre chỉ lấy đúng những thân già, không chặt trụi cả bụi. Cây tế thì chọn từng cây, không cắt hết một lượt. Nguyên liệu được tận dụng triệt để, những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre, chúng tôi cũng mày mò tạo hình thành những chiếc dao cắt bánh nhỏ xinh với giá bán rất rẻ, chỉ 2.000 đồng/chiếc”, anh Hoàng Văn Tuyên, thành viên lành nghề trong HTX chia sẻ.
Chị Trịnh Thị Thảo (bên phải) và sản phẩm thủ công được làm từ mây, tre |
Kết hợp hiện đại và truyền thống
Tìm cho mình được hướng đi đúng, thế nhưng, câu chuyện khởi nghiệp ban đầu của các thành viên HTX Nhật Minh không hề dễ. Các sản phẩm làm thủ công sơ khai chưa được trau chuốt, nên độ thẩm mỹ chưa cao, khi xuất hiện ở thị trường ngoại tỉnh, ít khách hàng đón nhận.
Ý tưởng đưa máy móc về hỗ trợ khiến các thành viên đắn đo, bởi bên cạnh khó khăn về vốn, việc đưa máy về liệu có phá hỏng đi cái hồn cốt của sản phẩm thủ công.
Xuất phát từ trăn trở đó, các thành viên HTX đích thân đi tận các làng nghề tại Thái Nguyên, Thanh Hóa… để học hỏi. Điều mọi người nhận ra đó chính là muốn phát triển thì cần nắm bắt kịp xu thế. Con người làm chủ khoa học kỹ thuật thì mới có được những bước tiến.
Tuy nhiên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần có được bản sắc, vẻ đẹp riêng, máy móc không thể thay thế hoàn toàn. Nhiều công đoạn cần có đôi bàn tay người thợ để tạo nên hồn cốt của sản phẩm. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa cái mới và cái cũ.
Khi tư tưởng đã thông, việc huy động nguồn vốn từ các thành viên dễ dàng hơn. HTX đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy khắc, máy chà, máy cắt, máy đục, máy khoan, máy bắn lỗ, chốt. Có máy móc, năng suất sản phẩm tăng cao, mẫu mã đa dạng, bắt mắt.
Những chiếc cốc, bát, bộ ấm chén trở nên mịn màng, thanh thoát; thìa, dĩa, ly, gáo múc rượu, chõ xôi… trở nên nhỏ nhắn, đường nét mềm mại. Điều này khiến hành trình Thảo đi chào hàng, mở rộng thị trường trở nên dễ dàng hơn.
Cách quảng bá sản phẩm của Thảo cũng khá hấp dẫn với những khuôn hình ấn tượng. Đó là cách sắp xếp hài hòa, sáng tạo giữa những chiếc cốc tre, thìa tre, bát tre, đũa cau, giỏ xách, khay đựng… khiến người xem thích thú.
“Em thường xuyên giới thiệu mặt hàng ở các homestay và hội chợ trong tỉnh. Đặc biệt ở thời đại công nghệ 4.0, việc quảng bá, mua bán thuận tiện hơn, gói gọn trong chiếc máy tính và điện thoại. Từ những khuôn hình sản phẩm bắt mắt, nhiều đại lý gọi mẫu, chủ động đặt hàng online. Thị trường cứ thế mở rộng tại Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, Tp.HCM...”, cô giám đốc trẻ chia sẻ.
Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường 1.800 - 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Hoàng Lê