Những năm qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực, với hàng trăm mô hình sản xuất mới hình thành, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần thay đổi kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Dạy nghề, tạo việc làm
Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã mở gần 100 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp gồm may công nghiệp, sửa chữa xe máy, mây tre lá, xây dựng, mộc, hàn, chế biến thủy sản, nấu ăn… cho hơn 1.700 người; đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho 737 lao động.
Kết quả, hơn 90% lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện có việc làm ổn định. Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm tại các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tự tin mở cơ sở sản xuất riêng để khởi nghiệp.
Điển hình, ông Nguyễn Xuân Quân, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, hiện đang sở hữu hơn 2.400 gốc bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chia sẻ, trồng bưởi đòi hỏi nhiều kỹ thuật, vì vậy khi địa phương mở lớp tập huấn, ông đã chủ động xin tham gia để học tập, cập nhật những kiến thức mới.
Đặc biệt, ông Quân cũng tìm đến Tổ hợp tác sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh để học hỏi kinh nghiệm. Tại đây, ông được chia sẻ về quy trình canh tác bưởi theo quy trình VietGAP, học cách tiêu diệt sâu bệnh hại bằng các loại thiên địch, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn…
Đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để các địa phương tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. |
“Nhờ được tham gia các lớp dạy nghề của Tổ hợp tác và địa phương, tôi nắm vững quy trình sản xuất sạch, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá bán cũng theo đó cao và ổn định hơn. Hiện, hơn 2.000 gốc bưởi nhà tôi đang cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”, ông Quân phấn khởi nói.
Thông qua các chương trình đào tạo nghề, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện nhiều mô hình điểm như: nuôi cá nước ngọt (xã Khánh Trung), kỹ thuật thú y, kỹ thuật trồng cây công nghiệp (xã Cầu Bà và xã Liên Sang), mộc dân dụng, mộc điêu khắc (thị trấn Khánh Vĩnh)… Các mô hình này đã đem lại hiệu quả cao và được nhân rộng.
Cũng giống như ở Khánh Vĩnh, thời gian qua, trong nỗ lực dạy nghề cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 80% trở lên cho lao động nông thôn qua đào tạo nhằm nâng cao thu nhập.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện Long Hồ đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu. Theo đó, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn GAP, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn.
HTX góp sức đào tạo nghề
Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Long An, huyện Long Hồ, cho biết gia đình chị trước đây chủ yếu trông chờ vào thu nhập từ nghề phụ hồ của chồng. Sau khi được đào tạo nghề thủ công do huyện tổ chức, chị đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên. Từ đó, gia đình chị đã từng bước vượt qua khó khăn.
Với đặc trưng không đòi hỏi quá nhiều về học vấn, sức khỏe, độ tuổi, thời gian nên các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở huyện Long Hồ như đan thảm lục bình, đan giỏ... là những nghề thu hút khá nhiều lao động nông thôn tham gia trong thời gian qua.
Đặc biệt, ở huyện Long Hồ có HTX đan lát thủ công mỹ nghệ Thanh Thanh xã Long Phước, là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là phụ nữ và người khuyết tật. Không chỉ thành công trong xuất khẩu, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 160 lao động địa phương.
Ngoài ra, còn có thể kể đến HTX Nông nghiệp Hậu Thành ở xã Long An. Ngoài việc hỗ trợ giúp đỡ thành viên trong công việc đồng áng, HTX còn thường xuyên tổ chức các lớp học đan để dạy cho các chị em phụ nữ đan gia công.
HTX Hậu Thành luôn khuyến khích những hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia học nghề góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Đến nay, HTX giúp giải quyết việc làm cho hơn 200 chị em phụ nữ ở địa phương và các vùng lân cận, từ đó mở rộng việc kinh doanh, nhận được nhiều đơn hàng từ các công ty ở Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương. Đồng thời, HTX cũng thường xuyên nghiên cứu các mẫu mã mới để giới thiệu sản phẩm cho nhiều công ty khác.
Trong bối cảnh kinh tế đối diện không ít khó khăn, để tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, đào tạo nghề là một trong những công tác quan trọng.
Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần mở rộng phương thức hỗ trợ đào tạo, bao gồm sơ cấp và trung cấp nghề để đáp ứng với nhu cầu của người sử dụng lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; thường xuyên tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.
Đồng thời, cần làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để có phương án dạy nghề thích ứng, phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là công tác liên kết đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, HTX.
Tiêu Phong