Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực phát huy vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX phát triển mạnh sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Kỹ năng quản lý của nhiều hợp tác xã còn yếu
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã phê duyệt, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể qua các giai đoạn: 2001-2005, 2005-2010, 2011-2015, giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể, HTX của Nhà nước và của tỉnh đã được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 192.866 tỷ đồng (Ngân sách trung ương: 140.287 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 52.579 triệu đồng).
Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. |
Đáng chú ý, một trong những chính sách được tỉnh Thái Nguyên thực hiện là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho 17.630 lượt cán bộ quản lý HTX; tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật cho trên 15.000 lượt thành viên và người lao động trực tiếp tại các HTX. Từ năm 2012 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 50% học phí cho 40 lượt cán bộ HTX theo học ở các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ HTX.
Theo thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước đã có khoảng 18.500 HTX nông nghiệp, dù tỉ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng lên hơn 60%, nhưng năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý. Trong khi đây là yếu tố quyết định hoạt động phát triển của các HTX nhất là trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.
"Các HTX nông nghiệp được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, nhất là các giám đốc HTX ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động, kiến thức thị trường và chưa được đào tạo bài bản”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh chia sẻ.
Tính đến nay, chỉ có khoảng 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 33% có trình độ sơ cấp và trung cấp. Còn tới 51% chưa qua đào tạo. Theo đó, định hướng tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp nước ta những năm tới đi theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng và sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về chất lượng nông sản, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng: Ngành nông nghiệp phải đầu tư mạnh cho khoa học, công nghệ; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu cạnh tranh.
Đào tạo nghề cho “Giám đốc HTX nông nghiệp”
Do vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp tập cần trung thực hiện thời gian tới nhất là đào tạo nghề cho “Giám đốc HTX nông nghiệp” với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến trong năm 2022 sẽ đào đạo cho khoảng 500 HTX với 1.500 học viên theo chương trình này, tập trung vào các HTX trong vùng nguyên liệu thuộc đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn mà Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo, 250 HTX nông nghiệp điển hình và các HTX thực hiện đề án phát triển ngành muối Việt Nam.
Theo PGS.TS Võ Trọng Khải, chuyên gia về HTX, qua thực tế phát triển của HTX cho thấy cán bộ, giám đốc HTX nào đã qua đào tạo, có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm sẽ giúp HTX của mình phát triển tốt và ngược lại, có nhiều HTX hoạt động không hiệu quả do đội ngũ đơn vị đó yếu kém, chưa qua đào tạo.
Chuyên gia Võ Trọng Khải nhấn mạnh, việc đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ cán bộ HTX chuyên nghiệp là nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách. HTX là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thị trường, nếu không có nó thì người yếu thế không có chỗ dựa, cạnh tranh thành công trên thị trường. HTX còn đảm bảo cho các cơ sở kinh doanh nhỏ có thể có khả năng giao dịch với các đối tác về cả đầu vào, đầu ra. Muốn làm được việc đó thì cần phải có đội ngũ, các giám đốc HTX chuyên nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn chứ không thể làm tự phát được.
Hiến kế cho các chương trình đào tạo giám đốc HTX, PGS.TS Võ Trọng Khải cho rằng: Bản chất của HTX khác với doanh nghiệp, cho nên khi đào tạo đội ngũ HTX chúng ta phải tập trung vào việc Quản lý kinh tế HTX. Việc quản lý phải như một doanh nghiệp nhưng không giống với các doanh nghiệp khác vì lợi nhuận tự thân mà HTX phải vì lợi ích của các thành viên, thỏa mãn nhu cầu kinh tế của các thành viên HTX cả đầu vào và đầu ra.
"Việc đào tạo giám đốc HTX rất khác và khó khăn hơn nhiều so với đào tạo giám đốc các doanh nghiệp nên các nhà quản lý, trường đào tạo phải có chuẩn bị kỹ và chuyên nghiệp về phương pháp, giáo trình giảng dạy lý thuyết, thực hành phù hợp, sát với nhu cầu của thực tiễn", chuyên gia Võ Trọng Khải chia sẻ.
Việt Anh