Đến xã Tam Bình ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) hôm nay sẽ thấy đường sá, cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng khang trang. Nông nghiệp được xem là thế mạnh của xã trong những năm qua và đang ngày càng chuyển biến tích cực.
Điểm sáng Cai Lậy
Xã Tam Bình hiện có một HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp là HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến chuyên cung cấp cây giống và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho xã viên.
Ngoài ra, xã còn có 4 tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, thu mua nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp.Trong đó, có 2 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 40 ha.
Với HTX và 4 tổ hợp tác này đã giúp thúc đẩy sinh kế, nâng cao thu nhập cho các nông dân trong xã. Nhất là hoạt động kinh tế tập thể cùng với bước đột phá của xã trong sản xuất công nghiệp (với hơn 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trên 86% diện tích đã được chuyển đổi thành vườn chuyên canh sầu riêng, vú sữa, sapo..) đã giúp Tam Bình tạo công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động địa phương.
Huyện Cai Lậy thúc đẩy sinh kế cho lao động nông thôn thông qua việc đào tạo, dạy nghề |
Cùng với xã Tam Bình, các xã khác trong huyện Cai Lậy đang thúc đẩy sinh kế cho lao động nông thôn thông qua việc đào tạo, dạy nghề và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Toàn huyện Cai Lậy có hơn 129.900 người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 69% dân số khu vực nông thôn. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các ban ngành, đoàn thể huyện Cai Lậy đã phối hợp mở gần 3.800 lớp dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu việc làm cho hơn 5.800 lao động nông thôn, nhân rộng các mô hình tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi …
Từ đó, nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong huyện đã 92,7%, trong đó có 26,9% lao động đã qua đào tạo. Theo Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Cai Lậy, hiện có 100% xã của huyện đạt tiêu chí số 12 về Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, góp phần ổn định đời sống cho người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Nhìn từ huyện Cai Lậy để thấy việc thúc đẩy sinh kế cho lao động nông thôn đang được tỉnh Tiền Giang chú trọng. Trong 5 năm tới, tỉnh này đưa ra mục tiêu mỗi năm tạo việc làm cho 16.000 lao động và tăng cường công tác đào tạo nghề. Nhất là phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 25% và tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ khoảng 1%…
Kỳ vọng ở các HTX
Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ đào tạo cho 60.825 lao động nông thôn, trong đó 13.455 lao động thuộc diện hộ nghèo. Qua kết quả khảo sát, đánh giá có 85% lao động nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp lớp học nghề.
Điểm sáng đáng ghi nhận là có nhiều HTX ở Tiền Giang vừa đi đầu trong sản xuất - kinh doanh cao vừa thu hút khá nhiều lao động nông thôn, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác tỉnh Tiền Giang đi lên.
Điển hình như HTX Rạch Gầm ở Tp.Mỹ Tho (Tiền Giang) là một trong những HTX vận tải lớn nhất cả nước đã góp phần thu hút hàng ngàn lao động nông thôn với mức thu nhập khá.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, nhấn mạnh HTX luôn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, cập nhật kiến thức cho tất cả nhân lực trong HTX. Điều đó đã tạo nên thành công của HTX.
Các HTX nông nghiệp ở Tiền Giang thu hút nhiều lao động địa phương |
Trong năm 2020, toàn tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt từ 150 HTX nông nghiệp trở lên hoạt động có hiệu quả. Với các mô hình kinh tế hợp tác ở tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản…hiện thu hút gần 3 vạn thành viên được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Tiền Giang phát triển hơn trong thời gian tới, đặc biệt là tạo sinh kế cho nhiều lao động nông thôn thoát nghèo và làm giàu.
Hiện nay tỉnh Tiền Giang đang quan tâm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp, tích cực vận động hỗ trợ thành lập mới các HTX. Tỉnh cũng chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn ở HTX….Điều này có ý nghĩa lớn để các HTX và tổ hợp tác phát triển tốt hơn nhằm tạo sinh kế cho người dân nông thôn thêm bền vững.
Thanh Loan