Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Nền tảng vững vàng
Bình quân hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh tuyển sinh đào tạo cho trên 50.000 người. Số người học sau tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%. Đặc biệt, những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng dễ dàng tiếp cận, hợp tác với doanh nghiệp thì 100% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay và thu nhập ổn định.
![]() |
Dù còn nhiều khó khăn, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang có những bước tiến vững vàng. |
Kết quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp hàng năm đã và đang góp phần tích cực xây dựng nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đang là một trong những điểm sáng trong giáo dục nghề nghiệp ở Bắc Ninh. Tiền thân là Trường Trung cấp nghề Bắc Ninh, trải qua 50 năm, Trường hiện là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao thuộc các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật như kế toán doanh nghiệp, công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, vận hành..., đáp ứng nhu cầu nguồn lao động tay nghề cao cho sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hàng năm, trường tổ chức tuyển sinh 700 – 1.000 sinh viên. Kể từ năm 2020 đến nay, công tác đào tạo được vận dụng thích hợp trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp. Kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt 97,5%, trong đó 95% sinh viên có việc làm sau khi ra trường, 17 học sinh được nhận học bổng của Hessen và GIZ (CHLB Đức) và Công ty ABB.
Trong kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, 3 thí sinh đạt giải cao, 2 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên nhà trường vào bán kết toàn quốc. Đến nay, đã có trên 30 doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng kỹ thuật viên với trường như Samsung, Canon, Foxconn, ABB…
Cần thêm động lực
Ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Nghiệp Bắc Ninh cho biết, mục tiêu của đơn vị trong thời gian tới là lọt vào danh sách các trường chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
![]() |
Để bứt tốc, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Ninh cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan quản lý. |
Tuy nhiên, theo ông Lưu, để hoàn thành mục tiêu, “bài toán” cần giải nhất của nhà trường hiện nay là xây dựng đội ngũ giáo viên để phát triển thành trường chất lượng cao. Cái khó hiện nay của nhà trường là tuyển dụng giáo viên các ngành cơ khí, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các giáo viên có trình độ và tay nghề dễ bị doanh nghiệp "lôi kéo" bởi thu nhập và nhiều cơ hội khác... Vì vậy, trường đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, các cơ quan quản lý, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cả về nguồn lực, cơ sở vật chất và tập huấn nhân sự, cán bộ.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Bắc Ninh nêu kiến nghị, để nâng cao hiệu quả đào tạo, các cơ quan quản lý, đi đầu là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp các ngành nghề, lĩnh vực trên phạm vi cả nước để dự báo, định hướng, phân luồng và làm cơ sở đặt hàng dịch vụ đào tạo.
“Đối với tuyển sinh đào tạo theo chương trình chất lượng cao, đề nghị Tổng cục sớm có ý kiến đối với đề án của các trường để các trường sớm tư vấn hướng nghiệp và thông báo tuyển sinh cho các chương trình này”, ông Huy nhấn mạnh.
Về phía địa phương, hầu hết đại diện các trường nghề trên địa bàn tỉnh đều mong muốn được hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc xây dựng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp.
Mỹ Chí