Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, huyện đã chủ động kết nối các cơ sở đào tạo với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo sức lan tỏa, tăng cơ hội việc làm cho lao động sau khi học nghề. Trong 3 năm qua, huyện đã mở được hơn 30 lớp dạy nghề, thu hút hơn 1.500 học viên, với các nghề như điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ may, công nghệ ô tô, hàn điện, chăn nuôi gia cầm…
Chuyển biến tích cực
Ông Nguyễn Sỹ Chung, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ, chia sẻ trước đây gia đình ông chỉ chăn nuôi gia cầm theo hướng tự phát để phục vụ nhu cầu của gia đình nên thu nhập rất bấp bênh.
Như Xuân đang đẩy mạnh đào tạo nghề đa lĩnh vực, mở thêm cơ hội việc làm cho lao động (Ảnh TL). |
Giữa năm 2017, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia cầm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức, ông Chung đã mạnh dạn đầu tư nuôi 300 con gà thịt, áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ.
Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, từ chọn con giống, chăm sóc và phòng bệnh trong chăn nuôi, đến nay đàn gà phát triển tốt, cho thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng.
Tương tự, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị Lê Thị Chi, xã Bình Lương được địa phương tuyên truyền, giới thiệu đã quyết định theo học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân.
Sau khi hoàn thành khóa học, từ năm 2018, chị Chi được giới thiệu vào làm việc tại cơ sở may trên địa bàn huyện, với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng, qua đó giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.
Đáng chú ý, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Như Xuân còn có dấu ấn tích cực từ các HTX. Điển hình như HTX Hóa Quỳ, xã Hóa Quỳ, đang là mô hình kinh tế tiêu biểu ở huyện Như Xuân đồng hành cùng người nông dân trong phát triển kinh tế.
Hiện, HTX kinh doanh ở 17 ngành nghề, dịch vụ, trong đó chủ lực phát triển ở lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp như tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nguồn giống, phân bón…
Để phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động cho thành viên, HTX nông nghiệp Hóa Quỳ thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn và tham quan mô hình về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Chìa khóa thành công
Anh Phạm Văn Dũng, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ cho biết, những năm trước gia đình anh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả gia đình tập trung khai hoang, cải tạo vườn tạp, song trồng cây gì cũng khó phát triển, lợi nhuận vô cùng bấp bênh.
Các HTX có dấu ấn tích cực trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân (Ảnh TL). |
Từ khi có HTX Hóa Quỳ hỗ trợ vốn, kỹ thuật, vật tư và đầu ra, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại nuôi hàng nghìn con gà thịt và trồng hơn 200 gốc bưởi Diễn. Hàng năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 120 triệu đồng. Từ một hộ nghèo đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Như Xuân, để công tác đào tạo nghề đi vào thực chất và phát huy hiệu quả như hiện tại, huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực cụ thể, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động.
Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm và ưu tiên các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề thuộc các xã, thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề nông nghiệp nói riêng được các cấp, các ngành và các xã, thị trấn quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú.
Trong thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề, quan tâm dạy nghề cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả.
Đồng thời, huyện cũng sẽ tăng cường cung cấp thông tin cho người lao động để có sự lựa chọn trong việc học nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, điều kiện và thị trường lao động. Đẩy mạnh liên kết với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh để mở các lớp dạy nghề phù hợp với địa phương…
Mỹ Chí