Toàn tỉnh Tây Ninh có 10 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống được công nhận, và đã hình thành tổ chức kinh tế hợp tác. Đơn cử như ở huyện Hoà Thành có HTX mây tre đan tại xã Long Thành Nam, Tổ hợp tác đúc gang tại ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà. Còn ở Trảng Bàng thì có HTX bánh tráng.
Cùng HTX giữ nghề
Các nghề truyền thống khác trong tỉnh như mộc gia dụng, se nhang, gò nhôm, chằm nón lá… cũng hình thành các tổ liên kết sản xuất hỗ trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh.
Với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác thì các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của tỉnh Tây Ninh được giữ gìn, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Nghề sản xuất bàn, ghế, thang tre tại HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam |
Tuy nhiên, để vừa giữ gìn vừa phát triển được các nghề truyền thống này thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn như nghề bánh tráng phơi sương truyền thống Trảng Bàng đang đối diện nguy cơ mai một.
Như ở gia đình nghệ nhân tráng bánh Phạm Thị Đương tại thị xã Trảng Bàng, dù bánh làm ra nhiều lúc không đủ bán nhưng vì mất nhiều thời gian, lại không có thu nhập ổn định nên các con bà phải đi làm công nhân kiếm thêm, không thể làm nghề truyền thống của gia đình.
Hiện tại, số hộ làm thủ công ở làng nghề bánh tráng phơi sương chỉ còn khoảng 20 hộ (không tính các hộ tranh thủ làm lẻ tẻ theo vụ). Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Tây Ninh, nghề tráng bánh phơi sương thủ công tại địa phương chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ. Nghệ nhân, thợ theo nghề hiện tại tuy vẫn còn nhiều nhưng lại không tập trung một chỗ mà phân bố rải rác khắp nơi trên địa bàn.
Để giữ được nghề tráng bánh phơi sương này nhằm tạo sinh kế cho người dân Trảng Bàng, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc củng cố, đổi mới hoạt động của HTX, tổ hợp tác gắn với đào tạo nghề trong lĩnh vực này thì rất cần thêm những doanh nghiệp tiên phong góp sức.
Nhằm duy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống, ở huyện Hoà Thành thời gian qua mỗi năm đã dành nguồn ưu đãi hàng tỷ đồng để cho vay, hỗ trợ các HTX có điều kiện phát triển, mở rộng thị trường, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương.
Đơn cử như nghề sản xuất bàn, ghế, thang tre tại HTX Mây tre số 2 Long Thành Nam ở huyện Hoà Thành có 40 hộ tham gia với 65 lao động, sản phẩm làm ra chủ yếu là cần xé. Ngoài ra, HTX cũng thường nhận những đơn hàng gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre như chụp đèn, bàn ghế, giỏ trái cây để bàn cho nhà hàng, khách sạn…
Tránh nguy cơ mai một
Tuy nhiên, làm hàng mỹ nghệ đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ nên nhiều người hiện nay chưa làm được. Với những đơn hàng có số lượng lớn, HTX đành từ chối dù rất tiếc, vì không đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Hà Ngọc Quyết, Giám đốc HTX, điều mà HTX quan tâm là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề trong việc tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Hoặc như nghề chằm nón lá vốn đã xuất hiện từ lâu đời ở Tây Ninh và hiện đang được giữ gìn nhằm tạo công việc làm cho nhiều lao động nữ ở nông thôn.
Tây Ninh đang gìn giữ các nghề truyền thống nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn |
Với việc giữ nghề truyền thống, trong tỉnh đã có nhiều nơi sản xuất nón lá được gọi là “xóm nón lá” như ở ấp An Phú, An Hòa (Trảng Bàng), “làng nón lá Ninh Sơn” (TP Tây Ninh), làm được tất cả các loại nón: nón Bài Thơ (Huế), nón Bình Định, nón thêu, nón dày, nón thưa.
Bên cạnh một số nghề thủ công truyền thống kể trên, ở Tây Ninh còn có một số nghề khác như: nghề đan lát sản xuất các sản phẩm bằng mây, tre, nứa; nghề mộc sản xuất các sản phẩm tủ, bàn, sa lon, ghế… ; nghề rèn sản xuất các sản phẩm công cụ và các công cụ sinh hoạt gia đình… cho thấy sự đa dạng, phong phú của "bức tranh" những nghề thủ công truyền thống ở Tây Ninh.
Chính những nghề thủ công truyền thống này đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của lao động nông thôn ở Tây Ninh được nâng cao.
Theo giới chuyên gia, để phát triển làng nghề truyền thống trong tỉnh cần thu hút được khách du lịch đến địa phương để tìm hiểu về nét văn hoá độc đáo, vừa giúp tiêu thụ những sản phẩm của làng nghề qua việc bán quà lưu niệm hoặc trải nghiệm những công việc của nghệ nhân. Điều đó giúp các hộ dân quay lại với nghề thủ công truyền thống.
Một khi các làng nghề thu hút được du khách, phát triển du lịch làng nghề, nâng cao thu nhập của người dân thì nghề và làng nghề truyền thống ở Tây Ninh sẽ tránh khỏi nguy cơ bị mai một.
Thanh Loan