"Bí" đầu ra cho sản phẩm
Những ngày đầu tháng 5 này, thời tiết nóng nực, nhưng dạo quanh làng gồm Quyết Thành, không khí vẫn mát mẻ và yên ắng lạ thường. Thỉnh thoảng vài ba vị khách vào làng mua chum, vò về làm tương hoặc ngâm rượu. Nhưng có vẻ chừng đó vẫn chưa thể làm cho bầu không khí kinh doanh ở đây sôi động được.
Gặp anh Nguyễn Văn Huy, đến từ phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết, do gia đình có nhu cầu mua một chum sành khoảng 40 lít về làm tương ăn nên đã chủ động đến tận làng gốm và vào tận xưởng để mua. “Đến xưởng gốm vừa lựa chọn được sản phẩm ưng ý về chất lượng, mẫu mã, giá cả lại hợp lý vì chưa qua khâu thương mại, đồng thời cũng đến xem các công đoạn làm gốm như thế nào?”.
Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành (Ảnh: Phạm Duy) |
Tuy nhiên, số lượng khách đến tận nơi mua như anh Huy không nhiều, trong khi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở đây vẫn còn nhiều mặt hàng bầy la liệt nhưng chưa thể tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Đức Phú, chủ xưởng gốm Phú Thoả, đồng thời là Giám đốc HTX gốm Quyết Thành, cho biết HTX gốm Quyết Thành có 5 xưởng với khoảng 40 lao động thường xuyên gồm: Xưởng gốm Phú Thoả; xưởng gốm Liên Kiểm; xưởng gốm Hoàn Sự, xưởng gốm Gia Long và xưởng gốm Mậu Lý.
“Cách đây 2 năm, làng gốm thu hút khá đông khách về mua các sản phẩm, nhất là chum, vò khối lượng chứa được từ 20 lít đến 100 lít. Các sản phẩm này chủ yếu để người dân ngâm rượu nhằm đảm bảo an toàn vì chum có thể khử được andehit hay metanol có trong rượu, là những độc tố có thể khiến con người bị nhiễm độc. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng của người dân đã bão hoà, sản phẩm lại rất khó bị vỡ, hỏng nếu không di chuyển nhiều nên nhu cầu mua mới không cao, khiến cho sản phẩm này càng khó tiêu thụ”, ông Nguyễn Đức Phú nói.
Ông Lại Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề gốm Quyết Thành chỉ ra thực trạng khó khăn mà làng nghề gốm Quyết Thành đang gặp phải. Dù có HTX dẫn dắt nhưng hầu hết các thành viên chưa có sự thống nhất nên sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết. Bên cạnh đó, các xưởng cũng hạn chế về nguồn kinh phí, thiếu vốn sản xuất nên không đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất mà chỉ sản xuất thủ công nên mẫu mã sản phẩm không đẹp, khó cạnh tranh với thị trường nên không ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không quảng bá, mở rộng thị trường, mà chỉ bán lẻ cho khách hàng. Mặt khác, số lượng tiêu thụ hạn chế nên sản phẩm bán ra cũng chỉ đủ chi phí nhân công và duy trì hoạt động.
"Dù gặp khó khăn, nhưng vì đó là nghề truyền thống nên các chủ xưởng vẫn duy trì hoạt động, bảo tồn làng nghề và cũng là để bảo đảm công việc cho người lao động”, ông Liên chia sẻ vì sao người dân nơi đây vẫn kiên trì con đường đã chọn.
Gốm Quyết Thành khó tìm thị trường nên chủ yếu vẫn là bán lẻ (Ảnh: Phạm Duy) |
"Đau đầu" bài toán rác thải
Không chỉ có sản phẩm gốm của HTX Quyết Thành khó tìm thị trường tiêu thụ, mà rác thải là tro xỉ của các mẻ lò nung gốm truyền thống và các sản phẩm gốm bị lỗi, hỏng cũng không thể tìm được địa điểm để xử lý.
Anh Lại Tuấn Sơn, chủ xưởng gốm Liên Kiểm cho biết, gia đình anh có một lò nung gốm truyền thống bằng củi và than, khối lượng 100m3, lớn nhất tại làng gốm Quyết Thành. Bình quân 2 tháng cho ra 3 lò với hàng nghìn sản phẩm khác nhau, từ chén uống nước, ấm pha trà đến chum, vò chứa nước, ngâm rượu lên đến 150 lít.
Anh Lại Tuấn Sơn, chủ xưởng gốm Liên Kiểm đang kiểm tra sản phẩm gốm trước khi đưa vào lò nung (Ảnh: Phạm Duy) |
“Nếu gặp thời tiết thuận lợi, đốt lò thành công thì sản phẩm hư, lỗi chiếm từ 10 đến 20%. Nếu thời tiết mưa gió, không thuận lợi, sản phẩm lỗi, hỏng có thể lên đến 50%. Nguồn rác thải này một phần sẽ được lựa chọn lại để bán cho các khu du lịch sinh thái làm cảnh, trồng cây, còn lại buộc phải chôn lấp vì các bãi rác không tiếp nhận do rác không thể tiêu huỷ”, anh Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Đức Phú, chủ xưởng gốm Phú Thoả bộc bạch, bản thân ông biết rất rõ rác thải từ các lò gốm không thể xử lý, không tiêu huỷ được dù có đến hàng trăm năm sau vì gốm chín rất già do các lò nung sử dụng công nghệ cao. Do vậy, chỉ còn cách đào hố chôn lấp.
“Trước đây, sản phẩm gốm Quyết Thành cũng được xuất bán ra thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Mỹ… Nhưng từ năm 2005 trở lại đây, các nước không nhập gốm Quyết Thành nữa, vì họ sợ ảnh hưởng đến môi trường do sản phẩm gốm sau khi sử dụng xong hoặc vỡ, hỏng không thể xử lý được. Đây thực sự là nguồn rác thải rắn gây ảnh hưởng đến môi trường hàng trăm năm sau. Hiện tại, các nhà máy rác, các bãi thu gom, xử lý rác thải cũng không tiếp nhận rác thải của các lò gốm nên chúng tôi thu gom vào một khu vực rồi sau khi khai thác đất làm gốm sẽ đem chôn lấp”, ông Phú cho biết.
Sự hỗ trợ của nhà nước, sự liên kết của doanh nghiệp và ý thức của các chủ xưởng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường sẽ giúp gốm Quyết Thành đứng vững trên thị trường (Ảnh: Phạm Duy) |
Ông Nguyễn Đức Phú kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn cho làng gốm truyền thống Quyết Thành, ngoài việc mong muốn Nhà nước đầu tư, HTX Quyết Thành rất cần sự chung tay của doanh nghiệp về nguồn kinh phí để nâng cấp, mở rộng các xưởng, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, liên kết bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ông Phú cũng mong muốn các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu ra phương pháp hoặc máy móc xử lý rác thải của các lò nung, chẳng hạn như nghiền sản phẩm gốm hỏng thành bột mịn để tránh gây ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, bản thân các xưởng phải làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chất lượng, mẫu mã, tạo ra sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng chứ không phải chỉ sản xuất sản phẩm truyền thống đơn thuần của mình có.
"Muốn làm được việc này, các xưởng phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi công nghệ. Có như vậy mới có thể vực dậy làng nghề gốm truyền thống Quyết Thành”, ông Phú nhấn mạnh.
Phạm Duy