Cách đây 7 năm, gia đình bà Lê Thị Đức, ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa (huyện Tân Thạnh) mạnh dạn đứng ra nhận hàng đan ghế nhựa tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương..., sau đó về phân phối cho các hộ dân trong ấp gia công. Lao động tại cơ sở phần đông là hộ nghèo, cận nghèo, người lớn tuổi, phụ nữ bận việc gia đình không có điều kiện đi làm ăn xa.
Ưu tiên cho hộ nghèo
Đan ghế nhựa rất đơn giản, chỉ cần học trong vài tiếng là có thể làm được. Người thợ khéo léo, nhanh tay, mỗi ngày có thể làm được từ 4 - 5 sản phẩm, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng.
Nghề đan nhựa mang lại thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở huyện Tân Thạnh |
Không phân biệt độ tuổi, giới tính, chỉ cần siêng năng, chịu khó, ham học hỏi, cơ sở đan ghế nhựa của gia đình bà Đức đều nhận vào làm việc. Hiện nay, cơ sở đan ghế nhựa này giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Tạo sinh kế cho người nghèo ở xã Tân Hoà đang rất cần khuyến khích những cơ sở sản xuất nghề truyền thống như hộ gia đình bà Đức và hơn thế nữa là sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đặc biệt là ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo.
Nhiều năm nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nghèo ở Tân Thạnh được chú trọng. Các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong huyện mang lại nhiều hiệu quả như kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật chăn nuôi, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ...
Đặc biệt, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với việc làm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao, không chạy theo số lượng, hình thức, không triển khai các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn khi chưa xác định được giải quyết việc làm sau đào tạo.
Tân Thạnh hiện có hơn 58% số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo nghề. Huyện đã mở hàng chục lớp dạy nghề chăn nuôi heo, trâu bò, gà, cá, ếch, hoa kiểng, rau màu, đan nhựa, may công nghiệp…. Trong đó, có rất nhiều học viên đã có việc làm ngay sau khi học nghề và tham gia sản xuất đem lại hiệu quả tốt, chất lượng sản phẩm cao hơn.
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết: Trước khi mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện luôn điều tra, rà soát nhu cầu của địa phương, trong đó ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Phát huy các mô hình hiệu quả
Ngoài ra, huyện còn phối hợp các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp để ký hợp đồng cung ứng lao động, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho lao động sau khi học nghề. Hiệu quả của dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Tân Thạnh là duy trì và nhân rộng được nhiều mô hình như đan ghế nhựa, may gia công... với thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Tân Thạnh đã đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho gần 15.000 lượt lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,67% (năm 2015) xuống còn 2,97%.
Cùng với đào tạo nghề, huyện còn đẩy mạnh việc cho các nông dân tập huấn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn có thêm cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tân Thạnh phát huy các mô hình kinh tế hiệu quả giúp giải quyết việc làm cho các lao động nghèo |
Đối với cây lúa, theo đánh giá của nhiều nông dân, khi ứng dụng công nghệ cao thì lợi nhuận tăng lên khá nhiều. Giám đốc HTX Hậu Thạnh Tây (xã Hậu Thạnh Tây) Phan Văn Kiệt chia sẻ: HTX có 50 thành viên với diện tích sản xuất 118ha. Hiện nay, HTX liên kết với tổ hợp tác trên địa bàn, nâng tổng số thành viên lên 522 người và diện tích 1.344,5ha.
Thời gian qua, HTX Hậu Thạnh Tây thực hiện được 11 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1 mô hình theo hướng VietGAP. Mô hình được nhân rộng cho 293 hộ nông dân với diện tích 742ha. Lợi nhuận trong mô hình cao hơn bên ngoài 2 - 4 triệu đồng/ha.
Các đoàn khảo sát của tỉnh Long An gần đây khi đến khảo sát các mô hình kinh tế giải quyết việc làm, đào tạo nghề ở Tân Thạnh đã đề nghị huyện cần phát huy hơn nữa các mô hình hiệu quả này.
Đặc biệt, huyện cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và địa phương trong việc khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương (nhất là lao động nghèo) sát với đặc điểm tình hình của từng địa phương và cần đảm bảo giải quyết việc làm sau đào tạo.
Thanh Loan