Hiện nay, huyện Chợ Gạo đang đẩy mạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động để thu hút lao động, tạo thêm việc làm cho lao động với bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 2.500 lao động.
Tạo sinh kế cho lao động nông nhàn
Hàng năm, huyện tổ chức 20 - 25 lớp dạy nghề cho 700 - 1.000 lượt lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo kết quả điều tra cung, cầu lao động năm 2019 của huyện đạt 34%.
Nghề nông chủ lực tạo sinh kế cho lao động nông thôn ở Chợ Gạo |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp của huyện Chợ Gạo đã phối hợp ngành chuyên môn tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, hội thảo và hàng chục lớp dạy nghề nông thôn về trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế.
Đơn cử như ở các xã nằm trong vùng Đề án phát triển thanh long của huyện Chợ Gạo, với nhiều buổi tập huấn, dạy nghề trồng cây thanh long cho năng suất cao đã được các nông dân trong huyện áp dụng vào thực tế và mang lại mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn trước đây.
Từ cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao này đã giúp tỷ lệ lao động tại các địa phương trong huyện nằm trong đề án luôn đạt yêu cầu của tiêu chí như xã Tân Bình Thạnh đạt tỷ lệ lao động có việc làm lên đến 93,03%, xã Mỹ Tịnh An đạt 90,91%, xã Đăng Hưng Phước đạt 90,34%..
Nhiều năm nay, bên cạnh việc giới thiệu việc làm cho lao động tham gia làm việc tại các doanh nghiệp, huyện Chợ Gạo còn tổ chức nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lát, lục bình, bó chổi que dừa, kết cườm, may công nghiệp để người lao động có thể nhận hàng gia công…
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chợ Gạo cũng tích cực trong việc tuyên truyền, tư vấn và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ. Hàng chục lớp dạy nghề nông thôn đã được mở dành riêng cho phụ nữ trong huyện với các nghề về tiểu thủ công nghiệp và trồng trọt, tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi gà, đan lục bình, trồng dừa, trồng bưởi, thanh long, giúp hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả.
Việc đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn trong khu vực HTX cũng được huyện chú trọng. Hiện toàn huyện có 20 HTX và 1 chi nhánh HTX, trong đó có 18 HTX và 1 chi nhánh HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, 2 HTX trên lĩnh vực vận tải.
Khấm khá cùng nghề trồng thanh long
Toàn huyện Chợ Gạo đã có hơn 270 ha trồng thanh long được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Đa phần người dân trồng thanh long đều tham gia HTX.
Như HTX thanh Long Chợ Gạo, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật sản xuất VietGAP và trồng đồng loạt hai loại thanh long ruột đỏ và ruột trắng nên HTX thuận lợi hơn trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.
Ông Lê Văn Thủy gắn bó từ những ngày đầu thành lập HTX chia sẻ, trước khi tham gia vào HTX, đầu ra trái thanh long của người dân nơi đây rất bấp bênh, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái.
Nhờ tham gia HTX, đầu ra trái thanh long được ổn định, người nông dân được chuyển giao khoa học, kỹ thuật để phòng trị bệnh trên cây hiệu quả, giúp nâng cao năng suất, chất lượng của cây thanh long.
Nhiều nông dân ở Chợ Gạo “đổi đời” với nghề trồng thanh long |
Cũng theo ông Thủy, với hơn 1 ha thanh long ruột trắng của gia đình, mỗi năm ông thu hoạch được khoảng 60 tấn trái, bán được khoảng 600 triệu đồng.Trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Nhờ học hỏi nhiều về nghề nông chủ lực mang tính chuyên nghiệp hơn, đời sống người dân trong huyện từng bước được cải thiện và chú trọng phát triển vùng chuyên canh cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: 6.600 ha thanh long, 910 ha bưởi da xanh, 6.594 ha dừa…Hiện thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt 61 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 1,91%.
Với việc tập trung cho giải pháp đào tạo nghề nông một cách thiết thực, huyện Chợ Gạo đã giúp nông hộ giải quyết bài toán việc làm và thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu lao động nông thôn cũng như giúp các xã được chọn xây dựng nông thôn mới.
Thanh Loan