Ngành điện tử công nghiệp là một chuyên ngành nhỏ của ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, đây là ngành học khá thú vị với sự kết hợp giữa điện tử dân dụng và điện tử máy tính nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức về các thiết bị điện tử, cấu trúc máy tính, cài đặt và quản trị mạng.
Ngành học đầy sức hấp dẫn
Tốt nghiệp ngành điện tử công nghiệp học sinh, sinh viên có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa, cải tiến nâng cấp các hệ thống, thiết bị điện tử cũng như tìm hiểu, phát triển, ứng dụng điện tử công nghiệp và đời sống hàng ngày…
Ngành điện tử công nghiệp đang thu hút nhiều học sinh, sinh viên khi lựa chọn học nghề. |
Với tấm bằng tốt nghiệp ngành điện tử công nghiệp trên tay, người học dễ dàng tìm được một vị trí thích hợp tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến các thiết bị điện tử; các trung tâm, cơ sở sửa chữa đồ dân dụng, điện tử hay các viện nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo…
Theo thống kê sơ bộ, hiện tại cả nước đang có khoảng 30 trường đại học, 11 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp và hơn 100 cơ sở đào tạo nghề về chuyên ngành điện tử công nghiệp. Điều đó có thể thấy rằng nhu cầu tuyển dụng công nhân, kỹ sư có tay nghề liên quan đến ngành này rất lớn.
Kết quả tuyển sinh năm 2021 của Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội cho thấy, điện tử công nghiệp là một trong những ngành có tỷ lệ hồ sơ dự tuyển cao nhất, với số lượng học sinh, sinh viên đăng ký lên tới hàng nghìn người. Đây là minh chứng cho sức hấp dẫn của ngành nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng này.
Tương tự, tại trường Cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM), ngành điện tử công nghiệp cũng đang là ngành "hot" thu hút rất đông sinh viên, học sinh, với số điểm đỗ khá cao, vào khoảng trên dưới 20 điểm.
Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, nguyên nhân ngành công nghiệp điện tử thu hút đông sinh viên, học sinh là vì nhu cầu nhân lực chất lượng cao hiện tại rất lớn, dễ kiếm việc làm khi ra trường.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp lớn hiện tại đều đang trong xu thế hiện đại hóa, bổ sung hàng loạt máy móc hiện đại, tự động hóa… nên rất cần nhân sự có trình độ chuyên môn cao. Chính vì "khát" nhân sự nên thu nhập của nghề này đang ở mức khá so với các ngành khác, người làm nghề này còn có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh...
Cơ hội việc làm rộng mở
Cách đây 3 năm, khi còn là học sinh lớp 12, em Hoàng Tuấn Vinh nhận thấy cơ hội vào đại học của mình không cao, sau khi nhận được sự tư vấn của cán bộ tuyển sinh của trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), Vinh đã quyết định chọn ngành công nghiệp điện tử.
Tỷ lệ sinh viên học điện tử công nghiệp ra trường có việc làm, thu nhập ổn định ngày càng cao. |
Hoàng Tuấn Vinh chia sẻ: “Em thấy các bạn đồng trang lứa ở nhà làm thuê, đi rừng… nhưng cuộc sống vẫn nghèo. Em nghĩ, nếu mình không tìm hướng đi khác, sau này sẽ không thể khá được. Vì thế, thấy nhà trường tuyển sinh em đăng ký theo học để sau này có được một nghề trong tay”.
Sau hơn 2 năm theo học, hiện Vinh được nhận vào làm kỹ sư của một doanh nghiệp điện tử lớn tại Lạng Sơn, với mức thu nhập cơ bản 8 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ cấp, lương làm thêm giờ.
“Nhiều anh chị khóa trước, có trình độ cao hơn em giờ đã đi xuất khẩu lao động, mức lương rất cao. Em cũng hi vọng mình được sang nước ngoài lao động như vậy nên bây giờ đang cố gắng trau dồi kinh nghiệm, học thêm tiếng Hàn để hiện thực hóa giấc mơ”, Vinh bộc bạch.
Ông Đào Sĩ Tam, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Nông lâm Đông Bắc, cho biết nhà trường hiện có 9 nghề hệ cao đẳng, 14 nghề hệ trung cấp và 27 nghề sơ cấp.
Ở các vùng miền núi tỉnh Lạng Sơn, điều kiện học tập cũng như năng lực của học sinh còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề không mất phí theo quy định của Nhà nước, trường còn cam kết bảo đảm đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh tham gia học nghề.
Với ngành điện tử công nghiệp, trong 5 năm qua, đây là một trong những ngành hấp dẫn nhất của trường. Đây cũng là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy…
"Thu nhập của sinh viên ngành này ngay khi mới ra trường không dưới 8 triệu đồng/tháng. Các doanh nghiệp lớn thường đến tuyển sinh ngay khi sinh viên, học sinh làm lễ bế mạc", ông Tam nhấn mạnh.
Rõ ràng, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những ngành học đón đầu xu thế như điện tử công nghiệp là lựa chọn rất tiềm năng cho học sinh, sinh viên lựa chọn, bên cạnh con đường vào đại học. Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút học viên theo học, các trường nghề, cơ sở đào tạo cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, từ đó phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả dạy và học, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Mỹ Chí