Trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) hiện có 9 nghề hệ cao đẳng, 14 nghề hệ trung cấp và 27 nghề sơ cấp. Thống kê cho thấy trường có đến 70% học sinh, sinh viên của trường là người dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều lợi thế khi chọn học nghề
Tốt nghiệp lớp 9, Hoàng Xuân Duy (sinh năm 2004) cậu học sinh người dân tộc Nùng ở Hòa Bình (Hữu Lũng, Lạng Sơn) tự định hướng cho mình con đường đi học nghề.
Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số lựa chọn học trường nghề có nhiều lợi thế. |
Xác định mục tiêu rõ ràng, Duy được trực tiếp nghe thầy cô của Trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc tham vấn nên quyết định chọn học nghề theo mô hình 9+ với mong muốn sẽ tìm được việc làm, giúp bố mẹ nuôi em trai ăn học. Bên cạnh đó, Duy cũng như nhiều học sinh miền núi khi đi học nghề được miễn giảm học phí, phần nào bớt áp lực về kinh tế.
Nhận thấy các doanh nghiệp điện tử thường đón đầu, đến tuyển dụng nhân sự tại trường từ khi học sinh, sinh viên làm lễ bế mạc năm học. Thấy tiềm năng về việc làm, Duy đã đăng ký học ngành Điện tử công nghiệp.
Duy chia sẻ: “Nhiều người học khóa trước đã đi xuất khẩu lao động, mức lương tương đối cao. Em cũng hi vọng mình sang nước ngoài lao động như vậy nên bây giờ đang cố gắng học tập để có tay nghề tốt”.
Tương tự, theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, nhiều em học sinh ở hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông đã vượt núi về học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế.
Điển hình, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Nguyễn Thành Lương (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) đăng ký học chuyên ngành cơ khí ở Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế. Quyết định này khá khó khăn với Lương vì em thi đỗ đến 3 trường đại học.
Vì gia cảnh khó khăn, học nghề là lựa chọn tối ưu, bởi Lương được miễn học phí, được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt. Ngoài thời gian học, Lương còn đi làm thêm để trang trải cuộc sống, gửi tiền về cho gia đình. Điều quan trọng nữa theo Lương là học nghề dễ xin việc làm.
“Sau khi ra trường, rèn luyện tay nghề vững vàng, em sẽ đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Nhật để tích lũy vốn, kinh nghiệm về quê mở xưởng cơ khí. Đây là con đường giúp gia đình thoát nghèo”, Lương bộc bạch.
Có tay nghề, vững tin trong cuộc sống
Miễn học phí, hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được ở nội trú là những chính sách mà em Sùng A Nhè, dân tộc Mông, trú tại bản Mảy Hốc, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) và nhiều học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số được hưởng khi theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ cả về học và cơ hội việc làm để thu hút người trẻ học nghề. |
Em Sùng A Nhè cho biết em theo học lớp cao đẳng điện công nghiệp K6. Do điều kiện gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS em nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền, nhưng công việc không ổn định.
Khi được các thầy cô Trường Cao đẳng Nghề đến tận nhà tư vấn học nghề, Nhè rất háo hức. Ra trường đầu năm 2020, Nhè được nhận 2 tấm bằng (THPT và cao đẳng nghề), cảm thấy tự tin khi đi xin việc và cũng có nhiều sự lựa chọn việc làm hơn.
“Thời gian qua em làm việc tại Bắc Ninh, tuy xa nhà nhưng mức lương ổn định từ 10 - 12 triệu đồng/tháng”, Sùng A Nhè hồ hởi cho hay.
Ths. Bùi Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, cho biết trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động, phát huy nguồn nhân lực dồi dào của các địa phương.
Các chính sách liên quan đến đào tạo và dạy nghề cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số đang được xây dựng và ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước. Thống kê cho thấy, học sinh, sinh viên ra trường hàng năm tìm được việc làm ngay đạt tỷ lệ trên 80%, trong đó nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi ra trường đã có việc làm và thu nhập ổn định từ 5 - 15 triệu đồng/tháng, tùy từng ngành nghề và nơi làm việc.
“Có em lựa chọn làm tại địa phương, cũng có những em bứt phá ra khỏi “lũy tre làng”. Dù làm công việc gì và ở đâu nhưng với kiến thức các em được đào tạo đã áp dụng hiệu quả vào thực tế, có cuộc sống ổn định hơn”, Ths. Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Có thể thấy, các chính sách thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp đang góp phần mở hướng đi bền vững cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng mặt bằng lao động trên cả nước.
Với thành quả đang có, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý, các trường nghề cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, nâng cao cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chương trình giảng dạy nhằm thu hút thêm lực lượng học sinh, sinh viên lựa chọn học nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Lệ Chi