Trước đây, trên diện tích đất vườn của nhà, anh Nguyễn Tiến Phong chỉ trồng các loại cây màu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Cuối năm 2018, anh được tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa theo quy trình VietGAP, mở ra hướng đi hoàn toàn mới.
Có học có hơn!
Đến nay, gia đình anh Phong đang triển khai gần 3 ha trồng dứa với 2 giống chủ đạo là Cayen và Queen, tất cả đều liên kết sản xuất, có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Được đào tạo nghề, nông dân tự tin chuyển đổi mô hình sản xuất mới (Ảnh TL). |
Anh Phong chia sẻ, thành công hiện tại là nhờ những kiến thức học được từ khóa học nghề cách đây hơn 3 năm. Trước đây, với tư duy tiểu nông, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng gia đình anh ngại thay đổi, mãi gắn bó với ruộng lúa, vườn rau.
Sau khi học nghề, có cán bộ nông nghiệp đồng hành, anh Phong đã mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp kinh tế gia đình ngày càng khởi sắc.
Tương tự, sau khi được Hội Nông dân xã hỗ trợ đi học nghề trồng chanh leo, chị Phan Thị Lành về áp dụng vào thực tế. Hiện, vườn chanh dây cho năng suất cao từ 5 - 7 tạ/sào (thu hoạch đợt 1), giá cả ổn định, dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
“Nhờ chịu khó đi học hỏi mà gia đình tôi đã tiến hành chăm sóc chanh dây đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Chúng tôi nhận thấy cây chanh dây bước đầu rất phù hợp với vùng đất cát pha ở Triệu Tài”, chị Lành tâm sự.
Bên cạnh ngành nghề nông nghiệp, anh Nguyễn Hữu Tín cùng một số người trong xã Triệu Tài đã tìm đến Trung tâm dạy nghề huyện để học nghề sửa chữa máy móc. Sau thời gian được giáo viên hướng dẫn, anh Tín đã có thể đoán được “bệnh” của máy để sửa chữa.
Theo anh Tín, việc học nghề sửa chữa không chỉ phục vụ riêng cho gia đình, mà thời gian tới, anh sẽ mở cửa hàng sửa chữa và mua bán phụ tùng các loại máy phục vụ nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Xã Triệu Tài đến nay đã có hơn 40 hộ nông dân được tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Phong tổ chức.
Sau khi được đào tạo, hầu hết học viên đều nắm được những kiến thức cơ bản về máy móc, có thể tự sửa chữa máy cho gia đình, tiết kiệm và giảm chi phí sửa chữa… từ đó nâng cao được năng suất và giá trị lao động.
Tiếp tục nâng chất
Theo đánh giá, Triệu Tài là một trong những xã điển hình thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn huyện Triệu Phong.
Các HTX có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề ở Triệu Tài (Ảnh TL). |
Rất nhiều lao động nông thôn ở xã sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng đã tìm kiếm được việc làm ổn định, xây dựng thành công các mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó chứng minh được hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động ở địa phương
Đáng chú ý, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX trên địa bàn xã Triệu Tài đang đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Đến nay, toàn xã có gần 10 HTX, tạo việc làm cho gần 300 lao động thường xuyên, cùng nhiều lao động thời vụ. Sự ra đời của các HTX giúp mô hình nông nghiệp sản xuất theo quy trình canh tác tự nhiên trên địa bàn xã phát triển mạnh, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Điển hình như HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, hiện triển khai trên 45 ha lúa theo phương thức canh tác tự nhiên, sử dụng giống lúa chất lượng cao.
Được biết, tham gia sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên, các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật để sử dụng phân hữu cơ compost bón lót đầu vụ, quá trình chăm sóc chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh như đạm cá lên men, nước trái cây lên men, nước thân cây lên men; phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc thảo mộc như gừng, tỏi, ớt, cây thuốc lá…
Trong thời gian tới, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Triệu Tài tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên hơn 65%. Một trong những bước đi chiến lược để xã hoàn thành mục tiêu là nâng cao vai trò của các HTX, vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ, đồng thời phát huy tinh thần chủ động của người dân.
Hưng Nguyên