Nghề làm khô cá lìm kìm bắt đầu phát triển mạnh tại ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường từ khoảng 5 năm trở lại đây, khi khô cá kìm hồ Trị An được phân phối rộng rãi ở chợ đầu mối, bán ra ngoài tỉnh, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ với thu nhập khá.
Liên kết cùng làm nghề
Vận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương, một số hộ làm nghề khô cá ở ấp Bến Nôm 2 đã chủ động liên kết lại với nhau, thành lập Tổ hợp tác khô cá kìm sông nước Phú Cường để cùng làm nghề, dạy nghề và truyền nghề, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị kinh tế.
Nghề làm khô cá kìm đang tạo nhiều việc làm cho người lao động ở Phú Cường (Ảnh TL). |
Sau nhiều nỗ lực của các thành viên, người lao động, Tổ hợp tác khô cá Phú Cường hiện đang hoạt động khá hiệu quả. Trong danh sách 31 sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 1/2020 của Đồng Nai có sản phẩm khô cá kìm của Tổ hợp tác.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết nghề làm khô cá kìm, khô cá lóc… là nghề truyền thống ở xã Phú Cường. Đặc biệt khô cá kìm là đặc sản độc đáo của hồ Trị An vì độ thơm ngon và có nguồn cung đều đặn quanh năm, được nhiều người yêu thích.
Theo ông Hoàng, khi loại đặc sản này được chọn làm sản phẩm OCOP của huyện Định Quán năm 2020, các hộ chế biến đã vào Tổ hợp tác, bước đầu có 15 thành viên người đánh bắt và làm khô tham gia chuỗi liên kết để có sản lượng lớn, đăng ký nhãn hàng chung cho khô cá kìm của cả vùng để loại đặc sản bản địa này vươn xa hơn.
Hiện, cá kìm tươi được các thành viên Tổ hợp tác thu mua, làm sạch, phơi khô để bán. Những năm qua, sản phẩm cá kìm khô của Tổ hợp tác cung không đủ cầu nên nghề đánh bắt và làm khô cá kìm đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương.
“Trong thời gian tới, khi những khó khăn của dịch bệnh qua đi, Tổ hợp tác sẽ hướng tới mở rộng quy mô, hoạt động rộng hơn, chú trọng vào công tác dạy nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, đảm bảo đời sống của thành viên. Tổ hợp tác cũng rất mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ các ban ngành địa phương, đặc biệt là về vốn sản xuất và cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Tạo sức lan tỏa mạnh hơn
Ngoài Tổ hợp tác khô cá Phú Cường thì tại xã Phú Cường còn có HTX nông nghiệp Phú Cường, ấp Bến Nôm 1, đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần tạo sức lan tỏa trong công tác dạy nghề nông nghiệp, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều hộ nông dân ở địa phương.
Việc được học nghề, chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân tự tin sản xuất, phát triển kinh tế (Ảnh TL). |
Ông Phạm Xuân Bắc, Giám đốc HTX, là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới và là người đóng vai trò lớn trong việc cải tạo những thửa ruộng xấu đầy sỏi đá ở địa phương để chuyển sang trồng rau, củ, quả ở địa phương.
Vài năm trước, chỉ với 7 sào đất trồng dưa leo xen mướp có năng suất trung bình 7 tấn rau/sào đã mang lại thu nhập 800 triệu đồng/năm cho ông Bắc. Với mỗi sào đất, ông Bắc trồng 6 vụ rau/năm, trong khi các nông dân khác nếu giỏi tận dụng, khai thác chỉ trồng được 3 vụ rau/năm.
Với kinh nghiệm của bản thân, ông Bắc đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật, truyền nghề cho các hộ khác tại địa phương, một số hộ được tạo cơ hội tham gia vào HTX, còn lại thì tự tin xây dựng mô hình sản xuất riêng, thu nhập ổn định.
Theo đại diện UBND xã Phú Cường, hiệu quả của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp chính là điểm tựa quan trọng giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng kinh tế xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cách đây 5 năm, xã Phú Cường đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã từ 36,2 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 đã tăng lên hơn 65 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã đến nay giảm còn trên khoảng 0,3%.
Với thành công đang có, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề dựa trên những lợi thế sẵn có của địa phương, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của các HTX, Tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động.
Hưng Nguyên