Hoạt động của HTX đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều người dân, tạo doanh thu và lợi nhuận cho thành viên, đóng góp cho ngân sách nhà nước, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương...
Nỗ lực vượt khó
Ông Trần Văn Thụ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, những năm đầu thành lập, HTX hoạt động hết sức khó khăn, trụ sở làm việc phải thuê mượn, cả HTX lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn 7 người kể cả thành viên và người lao động, nguồn vốn hoạt động chỉ là 100 triệu đồng.
![]() |
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX công nghiệp cổ phần Mai Hồng tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. |
Năm 2007, HTX đã lập dự án thuê 1000 m2 đất làm cơ sở sản xuất kinh doanh. Thời điểm đó, nhà xưởng của HTX chưa được xây dựng khang trang và HTX sử dụng sức lao động của người lao động là chính, máy móc, trang thiết bị được áp dụng rất ít, thợ lành nghề của HTX chưa nhiều.
Tuy nhiên, năm 2012, HTX đã vay được vốn nguồn vốn ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương với số tiền 700 triệu đồng để xây dựng 300 m2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và 400 m2 nhà xưởng sản xuất.
Đặc biệt, từ năm 2016, HTX đã thay đổi cơ cấu quản lý, tổ chức lại hoạt động, đặc biệt là mua sắm, trang bị thêm các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy chà, máy khoan, máy cắt, máy cưa xẻ, máy bào, máy lọng nền, máy đánh giấy giáp…
Cùng với mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, HTX còn có sự đổi mới về khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị mới vào hỗ trợ công việc lao động thủ công sang cơ giới máy móc nhiều hơn. Việc áp dụng thiết bị máy móc công nghệ cao đồng bộ từ máy pha chế nguyên liệu thô đến máy hỗ trợ làm tinh xảo sản phẩm giúp tăng năng suất tới 5 lần so với gia công thủ công và tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào.
Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 110 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa bán chậm, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cũng khó khăn, nên HTX chỉ có 5 lao động, doanh thu giảm hơn so với trước. Cũng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho hoạt động giao thương bị hạn chế, dẫn đến khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Đó cũng là lý do cơ bản khiến cho nhiều HTX chưa triển khai được việc xây dựng thương hiệu đặc thù Mỗi làng xã một sản phẩm.
Gắn sản xuất với đào tạo nghề
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong quá trình hoạt động, HTX luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.
Đến nay, HTX đã đào tạo được 15 lao động có tay nghề giỏi. Nhiều lao động sau vài năm được đào tạo vững tay nghề ở HTX đã mở cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh riêng và đã có những thành công đáng kể, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt, HTX đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 3 lao động khuyết tật. Đến nay, các lao động này đã đăng ký gắn bó với HTX lâu dài khi chính thức trở thành thành viên của HTX. Nhờ đó, HTX đã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo được đầu vào và đầu ra sản phẩm ổn định.
Trong quá trình hoạt động, HTX luôn đặt ra phương châm phải yêu nghề, gần gũi với thành viên, người lao động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với công việc của mình. Phải ra sức đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các khâu dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, để thành viên trực tiếp giám sát mọi hoạt động của HTX, nhất là những giai đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất
Đánh giá về HTX công nghiệp cổ phần Mai Hồng, ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Kim Thành cho biết, HTX luôn là điểm sáng trong công công tác đào tạo nghề. Quá trình hoạt động, HTX phát huy được nội lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có về ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh, năng động và mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, mở rộng nhà xưởng, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các thành viên, tận dụng tối đa nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn.
Đoàn Huyền