Vân Hồ là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có địa hình đồi núi chia cách, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước.
Thu nhập tăng gấp 6 - 7 lần
Nông dân bao đời nay vẫn quen canh tác nông nghiệp theo kiểu cũ. Trồng ngô, lúa, rau màu theo kiểu mổ hố gieo hạt, sau đó cả tháng mới ra thăm đồng một lần. Ngày thu hoạch, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên giá trị kinh tế đem lại không cao.
Thu nhập của các hộ đồng bào Mông trồng rau sạch hiện giờ đã tăng gấp 6 - 7 lần so với trước đây. |
Tuy nhiên, thói quen sản xuất của nhiều bà con Vân Hồ đã thay đổi khi được học nghề trồng rau sạch. Hơn 2 năm nay, dự án trồng rau VietGAP được Trung tâm Australia về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (ACIAR) đưa về để hỗ trợ, giúp bà con nông dân ở Vân Hồ thích ứng với cách sản xuất, canh tác mới. Sau một thời gian triển khai, dự án không chỉ đem lại thay đổi về mặt kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà giúp nông dân làm quen với một lối canh tác mới khoa học.
Anh Vàng A Sa, ở Vân Hồ, cũng được tham gia tập huấn dự án Cải thiện sinh kế thông qua phát triển các chuỗi giá trị rau. Kết thúc hoá tập huấn, anh Sa cùng với 2 người anh em lập ra tổ hợp tác trồng rau an toàn VietGAP.
Theo Vàng A Sa, ban đầu tổ hợp tác chỉ sản xuất được 1 vụ rau mỗi năm. Nhưng giờ biết được kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn, cộng với điều kiện khí hậu ở Vân Hồ luôn mát mẻ, thuận lợi cho trồng rau màu nên tổ hợp tác hiện nay đã sản xuất được 4 vụ rau/năm.
Hằng tuần, tổ hợp tác sản xuất rau sạch do anh Vàng A Sa đứng đầu còn cung cấp được 3 - 4 chuyến xe tải cỡ 1,5 - 2 tấn chở rau về thẳng siêu thị lớn ở Hà Nội theo đơn đặt hàng cố định. Ngoài ra, rau sạch của tổ hợp tác còn cung cấp cho một số cửa hàng thực phẩm sạch ở tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Nhờ đó, thu nhập của các hộ đồng bào Mông trồng rau sạch hiện giờ đã tăng gấp 6-7 lần so với trước đây. Quy mô tổ hợp tác đã được nâng lên thành HTX, số thành viên tăng lên 12, sắp tới sẽ kết nạp thêm 3 thành viên mới.
Mở rộng đào tạo nghề
Là người tiên phong trong việc trồng rau an toàn, năm 2015, sau khi được tiếp cận với các mô hình trồng rau an toàn ở Mộc Châu và Hà Nội, bà Đinh Thị Xoa (xã Vân Hồ) đã thành lập tổ hợp tác trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ việc trồng lúa 1 vụ cho năng suất thấp, bà đã vận động nhiều chị em, họ hàng chuyển đổi sang trồng rau.
Nhiều nông dân sau khi được đào tạo nghề đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. |
Bà Xoa cho biết, việc học ở đây không phải là lên lớp ngồi học, mà là học trực tiếp tại đồng ruộng. “Ban đầu, dự án cho đi thăm quan các mô hình thành công, sau đó về, cán bộ dự án sẽ phổ biến quy trình trồng, cách sử dụng hóa chất, cách xử lý đất, cây giống, ghi nhật ký... Đặc biệt, cán bộ dự án còn hỗ trợ kết nối bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân”, bà Xoa nói.
Với thành công đó, năm 2016, bà Xoa quyết định thành lập HTX trồng rau an toàn Vân Hồ từ tổ hợp tác xã trồng rau. Nhờ những nỗ lực trong việc sản xuất, cuối năm 2016, HTX rau Vân Hồ đã được chứng nhận rau an toàn về chất lượng do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản Sơn La cấp.
Nhờ những thành công bước đầu này mà tới nay có nhiều nông dân trên địa bàn xã Vân Hồ đang muốn được tham gia vào các tổ hợp tác và HTX trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo UBND tỉnh Sơn La, đến năm 2019, diện tích rau của Sơn La đã vươn lên gần 9.600 ha, sản lượng đạt hơn 131.000 tấn. Trong đó, gần 1.400 ha rau được chứng nhận VietGAP với 21 chuỗi cung ứng rau an toàn cho thị trường.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Hồ đã tổ chức khai giảng 3 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 105 học viên là lao động nông thôn tại 3 xã Vân Hồ, Xuân Nha và Tân Xuân của huyện Vân Hồ. Theo đó, các học viên sẽ được đào tạo về kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả, học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Thy Lê