Mới đây, ở ấp Tân Hưng Tây xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang kết hợp với chính quyền địa phương đã bế giảng lớp nghề “Kỹ năng chọn tạo giống lúa cộng đồng” (FFS).
Biến “rốn phèn, rốn lũ” thành miền đất hứa
Lớp nghề này có 40 nông dân tham gia, qua 2 tháng học tập họ được cán bộ kỹ thuật của trung tâm khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ năng so sánh giống; khử lẫn lúa; chọn giống từ các thế hệ phân ly; lai và chọn tạo giống mới; cách phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại trên ruộng lúa…
Từ lớp học nghề như vậy sẽ giúp nông dân chọn những giống tốt phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, giảm chi phí, tăng giá thành sản phẩm, thu hoạch đạt năng suất cao, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình.
Nghề trồng khóm làm thay đổi diện mạo vùng đất rốn phèn Tân Phước. |
Sau khi hạn mặn đã đi qua, nông dân huyện Tân Phước khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, cải tạo và xuống giống vụ hè thu năm 2020 được 5.819 ha (diện tích còn lại là 1.120 ha lúa ở giai đoạn trổ và 4.559 ha lúa chín sắp thu hoạch). Và họ rất cần được nâng cao kiến thức từ các lớp dạy nghề như vậy nhằm gia tăng năng suất trồng lúa.
Tân Phước từng được mệnh danh là “rốn phèn, rốn lũ”, từ một huyện nghèo, hoang sơ, đất phèn chua ngập mặn khó trồng được loại cây kinh tế nào, nhưng với việc áp dụng tiến bộ khoa học, nông dân được tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt thì nay Tân Phước đã trở thành miền đất hứa, giúp không ít người nông dân nghèo vươn lên.
Như với cây khóm, ông Phạm Văn Sừng ở xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, cho biết để trồng khóm thành công, ông kiên trì theo đuổi các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn để tránh “trúng mùa, mất giá”.
Rồi ông Sừng còn học tập thêm kinh nghiệm thâm canh của những nông dân giỏi đi trước và các kênh thông tin khác đem về áp dụng trên đất nhà trong quá trình sản xuất. Điều này đã giúp ông Sừng thành công trong việc thâm canh cây khóm và mang lại thu nhập cao.
Hiện nay, nhờ sự cần cù lao động, chăm học hỏi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân huyện Tân Phước đã trồng và xử lý khóm đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo vùng đất rốn phèn này.
Trung bình, năng suất khóm trong huyện đạt bình quân 20 tấn/ha, nếu thu hoạch đúng thời điểm có giá cao, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 100 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi.
Ấn tượng nghề trồng khóm
Trước đây, khi huyện Tân Phước mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh… nhưng đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có mặt cây khóm và khóm được xem là cây trồng chủ lực trên vùng đất đầy phèn mặn này.
Theo số liệu thống kê huyện Tân Phước đã có hơn 16.000 ha đất trồng khóm với sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm. Đây là địa phương đứng nhất, nhì cả nước về diện tích cây khóm.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt đã giúp người trồng khóm ở Tân Phước nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Huyện Tân Phước hiện có 9 HTX và 143 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Điển hình như HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2 đang tập trung hỗ trợ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên; đồng thời, nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Được chọn làm HTX điểm của tỉnh Tiền Giang, được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư máy làm đất, HTX xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Văn Huệ là một trong những thành viên gắn bó với HTX từ những ngày đầu mới thành lập cho biết, anh được HTX hỗ trợ rất nhiều như kỹ thuật canh tác, tham gia các hội thảo, tập huấn về khoa học - kỹ thuật. Qua đó, anh Huệ tiếp cận và học hỏi được nhiều kiến thức do các chuyên gia, kỹ sư chia sẻ.
Nhờ chú trọng vào việc dạy nghề trồng trọt và ứng dụng vào thực tế sản xuất nên đời sống người dân trên địa bàn huyện Tân Phước dần cải thiện điều kiện kinh tế với mức thu nhập bình quân đạt 50,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,21%.
Trong 3 năm trở lại đây, công tác dạy nghề nông thôn được huyện triển khai thực hiện đồng bộ, tổ chức 35 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc diện hộ nghèo…và tạo công ăn việc làm ổn định cho họ.
Thanh Loan