Mới đây, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Thuận phối hợp với huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi gia cầm cho nông dân tại thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú.
Hiệu quả mô hình dạy nghề lưu động
Trong thời gian 2 tháng vừa học, vừa thực hành, các nông dân địa phương tham gia khóa học được đào tạo những kiến thức cơ bản để chăm sóc đàn vật nuôi được tốt hơn, đồng thời biết cách phòng, tránh dịch bệnh cho đàn gia cầm của gia đình…
Bên cạnh lý thuyết, các học viên còn được hướng dẫn thực hành mô hình do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ (100 con gà con).
Hàm Thuận Bắc đang phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao theo quy mô nông hộ. |
Đây là mô hình dạy nghề lưu động ngắn hạn cho nông dân, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… ở huyện Hàm Thuận Bắc trong nhiều năm nay. Việc này nhằm giúp cho lao động nông thôn, nông dân nắm bắt các kiến thức chăm sóc vật nuôi được tốt hơn, giúp nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.
Để chăn nuôi trở thành nghề chủ lực, việc mở các lớp dạy nghề ngắn hạn liên quan đến lĩnh vực này đang được huyện Hàm Thuận Bắc chú trọng. Bên cạnh đó, huyện còn phát triển chăn nuôi nông hộ trên đàn bò sinh sản nhằm lai tạo các giống bò chất lượng cao để thay thế dần giống bò cỏ kém hiệu quả.
Hiện nay, đàn bò ở Hàm Thuận Bắc đang có khoảng 40.000 con (chiếm 25% tổng đàn bò của tỉnh Bình Thuận), nhưng vẫn là giống bò cỏ kém hiệu quả. Do vậy, việc hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò các kiến thức và ứng dụng theo hướng nâng cao chất lượng giống để tăng sản lượng và chất lượng thịt là rất cần thiết.
Như chia sẻ của anh Trần Minh Hồng, ở thôn Liêm An, xã Hồng Liêm, sau khi tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi bò, anh tập trung vào phát triển 2ha trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bò vỗ béo theo quy mô nông hộ, trung bình mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, hàng năm, Hàm Thuận Bắc đều duy trì được việc triển khai con giống dê, bò, heo đen cho hầu hết hộ nghèo ở 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ) và thôn Dân Hiệp (xã Thuận Hòa).
Bên cạnh nghề chăn nuôi, huyện Hàm Thuận Bắc còn phối hợp tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cao su, cây thanh long, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp…, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả.
Bằng mô hình dạy nghề lưu động, huyện Hàm Thuận Bắc bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 - 4.000 lao động, trong đó khoảng 70 - 90% lao động sau khi học nghề có việc làm phù hợp, ổn định, góp phần tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Thay đổi nhận thức của hộ nghèo
Việc tổ chức dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn bằng phương pháp cầm tay chỉ việc, ưu tiên nhiều cho các buổi thực hành đã phát huy hiệu quả cao. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động có cơ hội tìm được việc làm và làm tốt nghề được đào tạo.
Lao động nông thôn ở Hàm Thuận Bắc đang có sự chuyển biến nhận thức về học nghề để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả. |
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, đang có sự chuyển biến trong nhận thức của một bộ phận hộ nghèo về học nghề để tìm kiếm việc làm, sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Nhờ đó, 2 năm trở lại đây, lao động nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số các xã vùng cao đã đi làm tại các Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 và 2, Khu công nghiệp Phan Thiết, Công ty May Phú Long rất đông, thu nhập ổn định hơn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hàm Thuận Bắc đã giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,7%, bình quân hàng năm giảm 1,13%. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo từ 29,75% năm 2016 giảm xuống còn 20%.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hàm Thuận Bắc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thành lập được 27 chi hội, tổ hội nghề nghiệp, thu hút 539 hộ dân tham gia. Thông qua các mô hình chi hội, tổ hội theo nghề nghiệp đã tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX.
Huyện cũng đang phát triển 17 HTX nông nghiệp, ngành nghề và 124 tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP, với 3.652 hộ dân tham gia. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, chi và tổ hội nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Thanh Loan