Ngày 23/9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã thông tin về Kỳ thi Kỹ năng quốc gia lần thứ 11 và tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.
Theo đó, tên gọi cũ trước đó là “Kỳ thi tay nghề quốc gia” được đổi tên thành “Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia”. Đáng chú ý, kỳ thi năm nay sẽ diễn ra từ ngày 28/9 đến 10/10, thu hút 505 thí sinh/50 đoàn đăng ký dự thi. Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 có 34 nghề được tổ chức thi, trong đó có 31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn. Nổi bật có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay công nghệ cao, Tiện công nghệ cao, Dịch vụ lễ tân, Điều khiển công nghiệp, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Thiết kế thời trang kỹ thuật số và Công nghệ nước.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin với báo chí về kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 và Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc năm 2020. |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia không chỉ lựa chọn nhân lực huấn luyện cho Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, mà còn lan toả tinh thần vượt khó, thể hiện khí thế thi đua sôi nổi ngay trong các cơ sở đào tạo nghề.
Đồng thời, tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, thế giới; thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp; góp phần thực hiện liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ban tổ chức đã thành lập 5 hội đồng thi quốc gia lần lượt do các bộ, ngành chủ trì gồm: Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, cùng với 2 tiểu ban giúp việc cho Ban tổ chức có sự tham gia của doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp.
Để đảm bảo cho kỳ thi được diễn ra hiệu quả và công bằng, quy chế kỳ thi cũng có những điều chỉnh so với trước. Trong đó, nổi bật là thời gian làm bài thi đã được tăng lên không quá 15 tiếng, tiệm cận với Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN (trước đây không quá 8 tiếng). Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra thi.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương mong muốn hợp tác với các đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao |
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Thị Việt Hương nói: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng dự thi, không giới hạn độ tuổi và phổ rộng các ngành nghề thế mạnh của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các tổ chức chính trị, xã hội sẽ đồng hành cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để lựa chọn, bồi dưỡng, huấn luyện các thí sinh tiềm năng để “mang chuông đi đánh xứ người”, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong thế giới công việc đang đổi thay.
"Liên minh HTX Việt Nam sẽ là một trong những đối tác ưu tiên số 1, bởi đây là tổ chức đoàn thể gắn liền với nhiều ngành nghề phổ biến của Việt Nam như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Người Việt rất khéo tay, tuy nhiên kỹ năng nghề nghiệp của người lao động chưa được quan tâm đúng mực so với yêu cầu phát triển đất nước. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có kế hoạch hợp tác dài hơi với các đối tác để phát triển nguồn nhân lực thế hệ mới”, bà Hương nhấn mạnh.
Xuân Mai