Tại Hội nghị sơ kết tháng 8, triển khai nhiệm vụ tháng 9 mới đây của Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng, nhu cầu về đào tạo kiểm toán, quản trị và ngoại ngữ cho các HTX hiện nay rất lớn, trong khi đó, Liên minh HTX Việt Nam có đầy đủ hệ thống các trường từ cao đẳng đến trung cấp.
"Các trường cần thực sự bắt tay vào cuộc để đào tạo cán bộ, người lao động nhằm nâng cao năng lực điều hành, quản trị, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các HTX", người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Nhu cầu được đào tạo rất lớn
Ông Phan Trung Thông, Giám đốc HTX Sông Son, thôn 7, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, HTX chuyên thu mua dong, chế biến và sản xuất miến để cung cấp ra thị trường. Năm 2019, HTX sản xuất và tiêu thụ hơn 30 tấn miến tại thị trường trong nước và xuất bán ra thị trường hai nước là Thái Lan và Lào. Riêng năm 2020 này, HTX gặp khó khăn chung do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên sản lượng mới chỉ đạt 15 tấn.
Không chỉ khó khăn chung bởi đại dịch Covid-19, hiện nay HTX đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình trao đổi giao thương vì cả 10 người trong đội ngũ cán bộ, lao động đều hạn chế về ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh và tiếng Thái Lan. Bên cạnh đó, quá trình hoạt động cũng cho thấy những bất cập là HTX đang rất cần đến nghiệp vụ kế toán, kiểm soát HTX để hoạt động đúng mục tiêu và đảm bảo đúng theo Luật HTX năm 2012.
“Các HTX đều khó khăn về kinh phí nên rất mong muốn có sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX các địa phương để hỗ trợ đào tào, nâng cao chất lượng cán bộ, người lao động của HTX, nhất là khi HTX đang có nhu cầu mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ ra cả nước ngoài”, ông Phan Trung Thông mong muốn.
Qua khảo sát thực tế của Trường Bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt tỷ lệ 65%, trong đó trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18%, trình độ về ngoại ngữ và kiểm toán HTX còn ít hơn nhiều.
Trước thực tế này, ông Lê Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam cho biết, để đáp ứng và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý HTX, năm 2019, trường đã tổ chức được 85 lớp với tổng số 4.194 lượt học viên, trong đó: 77 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ HTX với 3.907 lượt học viên; 08 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, viên chức thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam với 287 lượt học viên.
Riêng trong năm 2020 này và giai đoạn 2021-2025, nhà trường đã cơ bản nâng cao chất lượng của cán bộ, giảng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, qua đó đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy truyền thụ kiến thức cả về lý thuyết lẫn thực tế trong công tác quản trị HTX; kế toán HTX; lập báo cáo tài chính; xây dựng chuỗi giá trị....
"Đây là điều kiện để hỗ trợ cho các HTX nâng cao chất lượng quản trị, quản lý và hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Tân nhấn mạnh.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Liên minh HTX Việt Nam đang có hệ thống các trường gồm: Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật trung ương; trường Bồi dưỡng cán bộ; trường Cao đẳng Kỹ thuật-mỹ nghệ Việt Nam; trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật Bắc bộ; trường Trung cấp nghề Kinh tế-kỹ thuật miền Trung-Tây Nguyên và trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam... Các trường đã được nhà nước đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đây chính là tiềm lực để đào tạo cán bộ cho các HTX.
Mục tiêu đào tạo từ nay đến hết năm 2025 được Liên minh HTX Việt Nam đặt ra cho các trường trong hệ thống là phải đào tạo nghề, bồi dưỡng cho hơn 18.000 lượt cán bộ chủ chốt HTX; đào tạo hệ cao đẳng là 2.850 học viên; trung cấp là 2.350 học viên và đào tạo nghề cho hơn 800 học viên là người khuyết tật trong cả nước.
Gợi mở về công tác dạy nghề và đào tạo nghề của các trường trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo định hướng: “Chúng ta có cơ sở vật chất đầy đủ, nhà nước tạo điều kiện thì chúng ta cần phải đào tạo một cách bài bản, khoa học. Muốn vậy, các trường phải mạnh dạn "đi bằng cả hai chân", tức là mở ra các hướng đào tạo từ ngắn hạn, dài hạn, đào tạo trực tiếp và cả đào tạo online. Đặc biệt, phải lựa chọn đào tạo những nghề xã hội cần và những nghề trọng điểm quốc gia”.
Lớp học nghề may của rường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương thu hút đông đảo người học tham gia. |
Với tinh thần đó, ông Nguyễn Danh Hùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương cho biết, năm học 2020-2021, ngoài các ngành học theo quy định với gần 1.000 chỉ tiêu, năm nay nhà trường còn mở thêm một số ngành học mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội như: ngành điện-điện dân dụng và công nghiệp; điện- điện lạnh dân dụng và công nghiệp; công nghệ thông tin; công nghệ may và thời trang; quản trị du lịch khách sạn nhà hàng; kỹ thuật chế biến món ăn… Đây được xác định là những ngành mà nhu cầu xã hội đang rất cần.
“Từ sự chỉ đạo của Thường trực, Đảng Đoàn Liên minh HTX Việt Nam, mỗi năm trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương đào tạo hàng chục lớp học về kế toán, kiểm toán HTX, quản trị HTX cho các địa phương và các HTX bằng cả hình thức giảng dạy trực tiếp hoặc đào tạo online. Thời gian tới, nhà trường sẽ mở rộng đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay”, ông Nguyễn Danh Hùng cho biết.
Có thể thấy, từ nhu cầu của các HTX và nguồn lực được chuẩn bị hết sức chu đáo của Liên minh HTX Việt Nam và các trường trong hệ thống chính là cơ sở để khẳng định xu hướng đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ là đúng đắn, khả quan, từ đó nâng chất các HTX, thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững.
Phạm Duy