Anh Nguyễn Thanh Kỷ, ở ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc, bộc bạch: "Gia đình tôi trước đây đi lao động ở tỉnh Bình Dương. Bản thân tôi thu nhập mỗi tháng trên 4 triệu đồng, nhưng tháng nào chi tiêu cũng thiếu".
Giúp phát triển kinh tế gia đình
Ba năm trở lại đây, sau khi trở về quê nhà rồi học nghề và làm công nhân cho cơ sở sản xuất rập cua (dụng cụ dùng để bắt cua) của Tổ hợp tác Kim Thành, thu nhập và đời sống của gia đình anh Kỷ được nâng lên rõ rệt.
Nghề làm rập cua tạo việc làm cho nhiều lao động ở xã Quách Phẩm Bắc. |
Lãnh đạo xã Quách Phẩm Bắc cho biết Tổ hợp tác sản xuất rập cua Kim Thành đã giúp nhiều gia đình và thành viên vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Từ tổ hợp tác này, nhiều lao động địa phương đã học được nghề và tự mình mở cơ sở riêng, tạo cuộc sống ổn định.
Quách Phẩm Bắc là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện Đầm Dơi. Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ được Hội phụ nữ xã đặc biệt quan tâm.
Chị Nguyễn Kim Đính, ở ấp Lung Vinh, xã Quách Phẩm Bắc, cho biết được sự quan tâm giúp đỡ của tổ phụ nữ, chị đã tham gia học lớp dạy cắt may cách đây 3 năm.
Sau khi học xong, chị Đính tự mở tiệm may, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Chị còn mua thêm vải về bán tại nhà nên thu nhập tăng thêm. “Nhờ được học lớp đào tạo nghề mà tôi có thêm thu nhập, gia đình bớt khó khăn”, chị Đính chia sẻ.
Bên cạnh xã Quách Phẩm Bắc, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các xã khác của huyện Đầm Dơi đã và đang được quan tâm nhiều hơn trước, nhằm nâng cao đời sống của người dân.
Huyện đã tổ chức nhiều lớp dạy các nghề ở lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống gắn với các làng nghề hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi tham dự lớp dạy nghề.
Lãnh đạo huyện Đầm Dơi cho biết, huyện sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chất lượng đào tạo nghề hiệu quả hơn, đào tạo gắn với nhu cầu để giúp người dân có thể phát huy hiệu quả của nghề đào tạo, phát triển kinh tế gia đình.
Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng (tương đương 2.600 USD) và giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Huyện cũng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2% trở xuống (theo chuẩn nghèo mới).
Tạo việc làm trong các mô hình hợp tác
Vào năm 2019, Trung tâm dạy nghề của huyện đã tổ chức được 18 lớp dạy nghề, thu hút 523 học viên (đạt 102% kế hoạch). Trong đó, nghề nông nghiệp là 11 lớp với 325 học viên và nghề phi nông nghiệp 7 lớp với 198 học viên. Sau khóa học có trên 80% học viên có việc làm.
Việc đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho người dân trong các mô hình HTX, tổ hợp tác cũng được huyện Đầm Dơi chú trọng. Gần đây nhất, Liên minh HTX tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện tổ chức lớp tập huấn cập nhật những quy định mới về kinh tế hợp tác năm 2020 nhằm giúp người dân địa phương vận dụng các kiến thức nền tảng, áp dụng triển khai thực hiện để phát triển mô hình kinh tế hợp tác.
Huyện Đầm Dơi giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi học xong lớp dạy nghề. |
Huyện cũng phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Cà Mau mở các lớp đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, thị trấn và cán bộ quản lý HTX, định hướng thành lập “Hội quán” theo kế hoạch xây dựng thí điểm 9 mô hình “Hội quán” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Trên địa bàn huyện Đầm Dơi hiện có nhiều HTX hoạt động tương đối hiệu quả, có những chuyển biến tích cực, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Mới đây nhất, huyện hoàn thành hồ sơ thủ tục pháp lý thành lập mới cho 2 HTX nuôi tôm siêu thâm canh và HTX sản xuất muối Tân Thuận.
Việc thành lập HTX sản xuất muối Tân Thuận ở xã Tân Thuận đang được người dân trong xã mong đợi nhằm được học hỏi các kỹ thuật canh tác tiên tiến, cũng như tránh tình trạng giá bán bấp bênh, áp giá và đầu ra được ổn định. Đặc biệt, đây là xã có sản xuất muối đầu tiên và duy nhất của tỉnh Cà Mau với diện tích 168,86 ha, nhưng năng suất hiện mới chỉ đạt từ 65 - 70 tấn/ha/năm.
Thanh Loan