Ông Phí Văn Dương – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, cho biết: “Để trợ lực cho HTX, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX phát triển thành viên, xây dựng dự án vay vốn, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên, người lao động”.
Các HTX tỉnh Điện Biên đang được trợ lực mạnh mẽ từ nguồn vốn dạy nghề |
Điểm tựa nguồn vốn
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX xây dựng dự án vay vốn được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ 14 dự án của các HTX vay gần 2,1 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương; một dự án được vay 2 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương.
Ở quy mô cấp tỉnh, đã có 12 dự án được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh với số vốn vay 1,49 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập cho 200 thành viên và người lao động.
Được hưởng lợi từ chính sách trợ lực, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé, chia sẻ: “Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, HTX đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, nâng cao khoa học – kỹ thuật, nâng cao chất lượng nhân lực, giúp hiệu quả gia tăng”.
Sự đầu tư đúng hướng giúp HTX giảm 30% chi phí đầu tư, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua, giá bán cao hơn thị trường 10%. Năm 2018, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 3 tỷ đồng, thu hút thêm nhiều thành viên và người lao động tham gia.
HTX Đồ thủ công mỹ nghệ Anh Minh cũng được hưởng nhiều lợi ích từ hoạt động tư vấn, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề của tỉnh để đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ nên đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, HTX Anh Minh đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20 thành viên, người lao động với thu nhập bình quân hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác đào tạo nghề tỉnh Điện Biên cho thấy hiệu quả cao |
Hiệu quả gia tăng
Cùng với thành công của HTX Anh Minh và HTX Bản Mé, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề đang giúp hàng loạt HTX nâng cao hiệu quả, mang lại việc làm ổn định cho thành viên, người lao động, tiêu biểu như HTX Nà Tấu, HTX dệt thổ cẩm Na Sang…
Dòng chảy đúng hướng của nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề là một trong những nhân tố quan trọng giúp các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Điện Biên nâng cao vị thế, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.
Tính riêng trong năm 2018, doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn tỉnh đạt 1.652 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2012); thu nhập bình quân của thành viên và người lao động các HTX đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm (tăng 90% so với năm 2012); các HTX nộp ngân sách hơn 2,503 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phí Văn Dương khẳng định những thành công trong thời gian qua cho thấy cách thức hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh với các HTX là đúng đắn. Vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp cơ bản được ưu tiên thực hiện để “trợ lực” cho các HTX sẽ là ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các HTX bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn ở các HTX, giúp các HTX có đủ các điều kiện về nhân lực, nguồn lực hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả.
Sáu Ngạn