Ông Võ Quyết, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng (ở xã Thuận An, huyện Đăk Mil), cho biết, thời gian qua, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã giúp cho HTX có điều kiện nâng cao sản xuất, tập trung vào sơ chế, chế biến để đưa sản phẩm cà phê ra thị trường.
Nâng chất lượng và sản lượng
Theo ông Quyết, thông qua dự án này thì các thành viên HTX đã được tập huấn, học hỏi những cách làm hay để chất lượng cà phê được nâng cao. Nhất là trong quá trình sản xuất, bà con được cán bộ nông nghiệp, chuyên gia về tư vấn, hướng dẫn các kỹ thuật trồng nên vườn cà phê tốt hơn trước rất nhiều.
![]() |
Người dân huyện Đăk Mil được tham gia nhiều đợt tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây cà phê. |
Hiện nay, HTX này có 58 thành viên, với 125 ha cà phê. Để tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới, hàng năm, HTX đều tổ chức nhiều đợt tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhiều thành viên, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện.
Không chỉ với HTX nêu trên, những nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil những năm gần đây nhờ thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc nên đều có năng suất vườn cây đạt khá cao.
Ngoài ra, theo ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, nhờ được tập huấn, đào tạo nên người trồng cà phê ở địa phương đã chú trọng đến khâu chế biến sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, người dân chú trọng vào sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Trần Văn Thư, ở thôn 8A, xã Đắk Lao (Đắk Mil), cho biết nhờ tham gia lớp tập huấn trồng cây cà phê mà hai năm nay ông thăm vườn nhiều hơn, những cây chín trước hái trước, hái bói một lượt rồi mới hái đồng loạt khi tỷ lệ quả chín đạt 90% trở lên. Đây cũng là cách mà hầu hết nông dân trồng cà phê đang áp dụng để tăng chất lượng hàng hóa.
Tại một số địa bàn có diện tích cà phê lớn như Đắk Mil, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng máy sấy cà phê để tránh nấm mốc, thối hạt cà phê.
Bên cạnh đó, để giảm thất thoát cà phê trong và sau thu hoạch, hàng năm, phía đơn vị thu mua còn hướng dẫn bà con nông dân trong huyện thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê theo đúng quy trình đề ra.
Nhờ vậy, thông qua hình thức khác nhau, lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án, huyện Đắk Mil đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền tới bà con các kỹ thuật từ khâu hái đến phơi sấy và bảo quản.
Giúp thay đổi cuộc sống người dân
Theo ghi nhận, hầu hết năng suất cà phê năm nay đều đạt hoặc cao hơn so với năm ngoái, quy trình thu hái, bảo quản cũng được chú trọng, cùng với đó là việc giá bán có nhỉnh hơn.
![]() |
Nhờ tập huấn tốt nên chất lượng và sản lượng cà phê ở Đăk Mil được nâng cao. |
Ông Nguyễn Xuân Trung ở xã Đức Mạnh (huyện Đăk Mil) cho biết cách đây 2 năm, cà trên vườn già cỗi, kém hiệu quả nên gia đình đã tham gia vào dự án tái canh của Dự án VnSAT. Được sự hướng về kỹ thuật chăm sóc nên vườn tái canh của gia đình ông có sự phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Trung, vì được đào tạo nhiều nên kỹ thuật làm cà phê của ông cũng cao hơn hẳn so với trước đây. Bây giờ người dân thấy vườn gia đình phát triển đẹp đến tham khảo và học hỏi kinh nghiệm.
“Những lúc như vậy tôi lại đưa các kiến thức đã được tập huấn ra để hướng dẫn bà con. Thậm chí đến tận vườn để cùng họ làm đất, xuống giống. Dự án VnSAT đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình và ông mong muốn dự án mở rộng thêm để giúp đỡ nhiều nông dân khác”, ông Trung nói.
Còn ông Hồ Văn Hoan ở thôn 11B, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, có 3 ha cà phê. Trước đây, gia đình ông chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, nhưng từ khi được tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây cà phê của huyện tổ chức, ông đã có thêm nhiều kiến thức về canh tác cà phê hơn.
Ông Hoan cho biết: “Hơn 4 – 5 năm trước, vườn cà phê của gia đình tôi bị suy giảm do canh tác lâu năm, được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đã nhổ bỏ những cây già cỗi, bị bệnh, cho năng suất thấp và xử lý đất, sau đó trồng thay thế bằng giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng kháng bệnh cao… Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình tôi vụ thu hoạch vừa rồi đạt từ 6 – 7 tấn/ha”.
Thanh Loan