Chỉ sau 2 tháng tham gia lớp học nghề ngắn hạn “Trồng rau an toàn” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Long Điền tổ chức, các nông dân ở thị trấn Long Hải đã được trang bị kiến thức trồng và chăm sóc các loại rau an toàn theo hướng VietGAP. Lớp học gồm 281 tiết, trong đó 90% số tiết học là thực hành tại các cơ sở trồng rau trên địa bàn.
Hiệu quả từ lớp học trồng rau
Qua lớp học này, các nông dân nắm rõ quy trình khép kín về trồng rau các nhóm như: Trồng rau ăn lá, ăn quả, ăn củ và kỹ thuật làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc quản lý dịch hại, nâng cao chất lượng nông sản…
Đây là điều kiện quan trọng để các nông dân trong thị trấn áp dụng vào thực tiễn sản xuất, hướng đến cung cấp rau an toàn, rau sạch cho người tiêu dùng tại địa phương và các vùng lân cận, góp phần tạo việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập.
Nông dân huyện Long Điền áp dụng kiến thức vào sản xuất sau lớp học nghề trồng rau an toàn. |
Việc mở các lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn cho các xã, thị trấn ở huyện Long Điền thời gian qua đã và đang cho thấy tính hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh ở xã Phước Hưng đã trở nên khá giả. Sự thay đổi tích cực này xuất phát từ việc ông Vinh được học thêm kiến thức nghề trồng rau an toàn tại địa phương và biết liên kết với các nông dân khác.
Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Vinh mạnh dạn tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thắng Lợi và ăn nên làm ra. Hiện nay, tổ hợp tác đã phát triển thành HTX rau an toàn Thắng Lợi, mang lại thu nhập cho 48 thành viên mỗi năm bình quân trên 50 triệu đồng.
Để mở rộng vùng sản xuất, HTX đi vận động từng thành viên đầu tư làm rau an toàn có quy mô, chuyên nghiệp hơn sau khi tham gia lớp học nghề “Trồng rau an toàn”. Lớp học thiên về cầm tay chỉ việc này đã giúp nhiều thành viên HTX biết cách trồng rau an toàn hiệu quả hơn và có cuộc sống khấm khá hơn.
Bên cạnh việc đào tạo những nghề nông thôn phù hợp với nông dân, lao động nhàn rỗi, trong thời gian tới, huyện Long Điền sẽ tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn lực khuyến công để tổ chức đào tạo nghề cho lao động địa phương.
Mặt khác, huyện còn có các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hình thức nâng cao, bảo đảm trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, qua đó giải quyết việc làm cho số lao động được đào tạo.
Phát triển làng nghề truyền thống
Thời gian qua, có 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH Chu Lai, Công ty TNHH Khang Việt Tiến, Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hoà và CTCP Hải Sơn Phát đã phối hợp với huyện đào tạo các nghề đan ghế giả mây, đan giỏ lục bình và may công nghiệp.
Đến nay, hầu hết người lao động sau khi hoàn thành khoá học đều có việc làm và thu nhập ổn định. Đơn cử như chị Nguyễn Phương Hoa (thị trấn Long Hải), từng phải làm thuê, làm mướn, công việc, thu nhập không ổn định. Sau khi tham gia học nghề đan lục bình cho Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa tổ chức ngay tại địa phương, vợ chồng chị Hoa đã có công việc với thu nhập khá.
Ngoài ra, huyện Long Điền đang duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống và có các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương có liên quan đến những làng nghề này.
Huyện Long Điền phát triển nghề làm muối truyền thống. |
Trên địa bàn huyện hiện có 15 nghề nông thôn, với 528 hộ sản xuất, gồm: bánh tráng, bánh hỏi, bún, bánh trung thu, mắm, nấu rượu, sản xuất muối… Trong đó có làng nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi, làng nghề làm bánh hỏi ở xã An Nhứt và khu ruộng muối Long Hiệp đã được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.
Làm muối là một trong những nghề truyền thống được diêm dân ở Long Điền lưu giữ từ đời này qua đời khác, toàn huyện có hơn 500ha sản xuất muối, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm.
Với nghề truyền thống làm muối, một trong những thay đổi quan trọng ở Long Điền là thành lập HTX muối Chợ Bến với 17 thành viên, sản xuất muối trải bạt trên diện tích 25ha. HTX đã hỗ trợ tích cực cho diêm dân trong việc tham gia học hỏi các lớp đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như việc các thành viên sau khi học tập và áp dụng phương pháp làm muối trải bạt đã cho năng suất cao hơn khoảng 1,5 lần so với làm muối trên nền đất; tuy chi phí nhiều hơn nhưng giá muối trải bạt cũng cao hơn.
Thanh Loan