Mô hình trồng măng tây do Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp Phú Quý đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai mô hình trồng măng tây tại 3 xã ở đảo Phú Quý là Tam Thanh, Long Hải, Ngũ Phụng đang ghi nhận kết quả bước đầu khá tích cực.
Nhiều mô hình hiệu quả
Mô hình bắt đầu trồng giống vào tháng 3/2019, với sự tham gia của 3 hộ nông dân trên địa bàn 3 xã. Giống măng trồng tại mô hình được nhập từ Hà Lan, do doanh nghiệp cung cấp.
Trước khi xây dựng mô hình, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp đã tổ chức đưa cán bộ kỹ thuật và đại diện hộ dân đi tham quan học hỏi kỹ thuật trồng măng tây tại Ninh Thuận, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình về kỹ thuật trồng và thâm canh cây măng tây.
Mô hình trồng măng tây trên đảo Phú Quý đang cho thấy nhiều triển vọng. |
Kết quả bước đầu cho thấy, trong năm đầu tiên thu hoạch chồi măng tây xanh được 972 kg/600m2 với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm lãi 59,6 triệu đồng. Như vậy nếu đầu tư 100 m2 trong một năm thu lãi 9.940.000 đồng (dự kiến mỗi năm có 270 ngày thu chồi măng), cao hơn hẳn trồng cây ngắn ngày và các loại rau khác. Đây là tín hiệu rất khả quan, có khả năng nhân rộng và phát triển.
Ngoài mô hình này, các mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, chăn nuôi... được người dân trên đảo Phú Quý thực hiện sau khi tham gia các lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
Điều đó góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lao động địa phương về học nghề. Mặt khác, còn giúp lao động nông thôn tận dụng tốt thời gian nhàn rỗi, chuyển đổi dần nghề nghiệp theo hướng tích cực.
Chẳng hạn như trong nghề chăn nuôi, nhiều hộ nông dân bằng những cách làm riêng, chịu khó học hỏi thông qua trường lớp hoặc tự tìm tòi học hỏi thông qua Internet đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Điển hình là gia đình anh Nguyễn Trí. Trước đây, trải qua nhiều nghề trên huyện đảo nhưng đời sống bấp bênh, anh chuyển sang đầu tư trang trại nuôi nhím sau những lần mày mò vào Internet tìm hiểu về cách nuôi.
Đến nay, toàn bộ nhím giống của anh Trí đều được xuất khẩu ra nước ngoài với mức giá khá cao, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Một số hộ gia đình cũng học hỏi cách nuôi nhím của anh Trí và tham gia các lớp học nghề, có thu nhập khoảng 70 - 100 triệu đồng/năm.
Những “triệu phú chân đất”
Ngoài các mô hình nuôi nhím hay các mô hình truyền thống như đi biển, thu gom hải sản ngoài biển, nuôi trồng thủy sản..., những năm vừa qua có hàng chục mô hình kinh tế mới như nuôi dông, chim câu, nuôi lợn, trồng rau sạch... được người nông dân ở đảo Phú Quý ứng dụng từ các lớp học nghề chăn nuôi, mỗi năm đem lại hàng trăm triệu đồng, được xem là “những triệu phú chân đất”.
Trong 5 năm trở lại đây, đã có 190 hộ gia đình trên huyện đảo Phú Quý có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá. Ngoài ra, huyện đã giới thiệu tạo việc làm cho hơn 600 lao động, trong đó có hơn 440 lao động có việc làm sau khi đào tạo nghề.
Nghề nuôi nhím giúp một số hộ gia đình ở đảo Phú Quý trở thành “những triệu phú chân đất”. |
Trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, huyện Phú Quý tiếp tục tập trung phát triển mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, theo doanh nghiệp, vùng dự án, vùng chuyên canh, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học.
Trong đó, huyện Phú Quý sẽ chú trọng đào tạo các nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, chăn nuôi. Huyện cũng đẩy mạnh công tác đào tạo các nghề về du lịch theo tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch tại các khu du lịch trên địa bàn.
Hơn nữa, huyện Phú Quý cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến về các mô hình HTX kiểu mẫu cho nguồn lao động nông thôn trẻ tuổi học hỏi và ứng dụng vào thực tế.
Hiện, huyện Phú Quý có 39 HTX và 32 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, hơn 170 tổ hợp tác chủ yếu là theo lĩnh vực thủy sản làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản hoạt động trên biển, với tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau, đem lại lợi ích kinh tế lớn.
Các HTX có quy mô thành viên từ 7 - 15 người/HTX, vốn điều lệ đa số trên 2 tỷ đồng, trong đó có 5 HTX có vốn điều lệ từ 4 - 5 tỷ đồng, hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên đảo Phú Quý.
Thanh Loan