Xã Lạc Lâm ở huyện Đơn Dương được ví là "làng tỷ phú" khi nghề trồng rau ở đây đang giúp nhiều nông dân trở nên giàu có. Như gia đình bà Đinh Thị Nhu mỗi năm thu về khoảng 2 tỷ đồng nhờ vào 2ha đất lắp đặt nhà kính và trồng các loại cao cấp như ớt chuông, dưa baby…
Trồng rau thu lãi cao
Anh Nguyễn Văn Toản - một người dân địa phương chia sẻ, ngày trước nếu người dân trồng trọt theo kiểu truyền thống, lợi nhuận thu được chỉ là 1, thì hiện nay sau khi họ chú trọng học hỏi các cách làm hiệu quả và ứng dụng công nghệ cao, trồng trọt trong nhà kính đã cho thu lợi bằng 10.
Trồng rau ứng dụng công nghệ mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Lạc Lâm (ảnh:TL) |
Anh Toản cho biết trong xã có những gia đình thu nhập 5-7 tỷ đồng mỗi năm nhờ làm rau thủy canh. Lợi nhuận cao nên người dân đầu tư và làm lớn. Bây giờ việc nông dân đi ôtô sang, xây nhà chục tỷ là bình thường.
Hoặc như ở xã Lạc Xuân trong huyện Đơn Dương có HTX Rau, hoa VietGap Tiên Sinh, giám đốc HTX là anh Nguyễn Thái Sơn mới chỉ 26 tuổi. Anh Sơn cho hay, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, anh tự tìm tòi để học hỏi thêm kinh nghiệm làm vườn từ bạn bè và một số người thân cận.
Sau khoảng thời gian hơn 2 năm, khi nắm chắc được kỹ thuật về nông nghiệp, anh Sơn tìm về xã Lạc Xuân để phát triển HTX này, chuyên về trồng rau, hoa, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ sau thu hoạch.
HTX hiện tại có 27 ha dùng để trồng rau, hoa, trong đó 5 ha nhà kính trồng hoa, ớt chuông và cà chua, 8 ha nhà lưới trồng cải thảo và diện tích còn lại trồng rau ngắn ngày như hành lá, ngò,...
Với diện tích này, trung bình mỗi năm HTX thu hoạch 300 tấn cà chua, hơn 700 tấn rau, củ, quả và các sản phẩm đều được nhập cho các siêu thị với mức doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Là huyện có gần 100 nghìn dân, trong đó gần 30% là đồng bào dân tộc thiểu số, trồng rau củ quả là nghề mũi nhọn của huyện Đơn Dương. Để nâng cao giá trị rau củ quả, thì việc áp dụng kinh nghiệm trồng rau thời công nghệ là hướng đi phải chọn của các nông dân địa phương.
Trong đó, huyện Đơn Dương xác định các tiểu vùng phát triển rau - hoa công nghệ cao (các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập, Ka Đô). Bên cạnh, nghề chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa cũng là thế mạnh của các nông dân trong huyện, nhất là các xã Tu Tra, Ka Đơn, Pró, Đạ Ròn.
Tính đến đầu năm 2020, tổng đàn bò sữa toàn huyện Đơn Dương đạt 14.300 con, tăng 33,8% so với năm 2015. Sản lượng sữa mỗi ngày khai thác bình quân đạt 134 tấn, tương ứng với tổng doanh thu gần 1,7 tỷ đồng.
Thành công nhờ ứng dụng công nghệ
Hiện huyện đang có trên 40% tổng đàn bò sữa cho khai thác sữa, năng suất sữa bình quân 6 tấn/con/chu kỳ. Huyện có trên 700 hộ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở lên.
Trong 5 năm trở lại đây huyện Đơn Dương đã tổ chức 200 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho 6.000 lượt nông dân ở các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập, Ka Đô.
Ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn sau 5 năm qua, nông dân huyện Đơn Dương đã phát triển 40 ha diện tích đất sản xuất điều khiển tự động nhiệt độ, ánh sáng; 10 ha diện tích canh tác không sử dụng đất; 608 ha được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Nghề chăn nuôi bò sữa mang lại nguồn thu lớn cho người dân Đơn Dương (ảnh:TL) |
Ngoài ra, nhiều hộ nông dân huyện Đơn Dương còn ứng dụng hiệu quả công nghệ ghép tạo cây giống mới, lắp đặt thiết bị cảm biến kết nối vạn vật, xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; sử dụng công nghệ thông tin để quản lý hệ thống tưới tự động kết hợp với bón phân nhỏ giọt…
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, một nông dân sớm phát triển cây trồng theo hướng công nghệ cao tại đây, cho biết: Vài năm trước, tôi quyết định chuyển đổi 1,6ha đất trồng hoa kém hiệu quả sang trồng rau công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động. Từ đó đến nay, với các loại cây trồng như cà chua, hành tây, sú,… mỗi năm gia đình tôi thu được trên dưới 1 tỷ đồng.
Để phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Đơn Dương còn chú trọng phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể.
Toàn huyện có 19 HTX, 16 Tổ hợp tác và 58 trang trại (trong đó có 22 trang trại chăn nuôi, 20 trang trại trồng trọt và 16 trang trại tổng hợp) đều đang hoạt động hiệu quả, giúp nông dân “hái ra tiền”.
Thanh Loan