Như nhiều người dân khác trong xã Cửu An, gia đình ông Nguyễn Thành Lan ở thôn An Bình chọn cho mình cách phát triển kinh tế bằng nghề truyền thống làm bún phở.
Chuyên tâm giữ nghề truyền thống
Duy trì được hơn chục năm, nghề bún phở truyền thống đang mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình ông với mức xấp xỉ 12 triệu đồng/tháng. Ngoài thu nhập từ trồng lúa, ông và gia đình có thể an tâm tích lũy tiền và tham gia vào tổ hợp làng nghề bằng công việc này.
Ngoài là xã thuần nông với 935 hộ nông dân, Cửu An còn được biết đến bởi các nghề truyền thống như làm bánh tráng, bún phở đang được lưu truyền cả trăm năm nay ở thị xã An Khê.
Nghề truyền thống giúp người dân An Khê vươn lên làm giàu (ảnh:TL) |
Đây là những nghề mang đậm nét đặc trưng của người Bình Định lưu truyền từ nhiều thế hệ vốn sinh sống, làm ăn từ hàng thế kỷ trước ở vùng đất Gia Lai.
Phát huy lợi thế này, xã Cửu An đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống, trong đó chú trọng đến nghề làm bánh tráng. Ông Nguyễn Công Thám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửu An, cho biết: “Để làng nghề tồn tại, hội nông dân duy trì cho bà con tham gia vào tổ hợp tác và cần được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay để bà con cùng tham gia vào chuỗi sản xuất”.
Bên cạnh xã Cửu An đang phát triển nghề truyền thống thì Hội Nông dân thị xã An Khê có 60 chi hội với 6.575 hội viên/8.273 hộ nông nghiệp đã và đang thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức đào tạo nghề nông thôn truyền thống cho hội viên.
Hội còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Nhất là thành lập các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật, HTX, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nhằm hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nông dân nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng…
Nhờ hiệu quả của việc đào tạo nghề nông thôn ở hội nông dân nên đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo của thị xã An Khê được kéo giảm đáng kể.
Thị xã đang phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% vào năm 2020. Nhất là tập trung đẩy nhanh giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Cùng HTX tăng thu nhập cho nông dân
Trong các nghề nông nghiệp thì An Khê được cho là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rau. Từ nhiều năm qua, thị xã đã hình thành các vùng trồng rau tập trung tại phường An Bình, An Phú và xã Thành An. Hiện nay, thị xã có khoảng 2.127 ha đất trồng rau với sản lượng rau hàng năm đạt trên 46.650 tấn.
Trong số này có khoảng 22 ha với 31 loại rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân trồng rau có nguồn thu nhập khá ổn định. Thị trường tiêu thụ rau không chỉ ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An...
Nghề trồng rau VietGap ở An Khê giúp gia tăng thu nhập cho nông dân địa phương (ảnh:TL) |
Điển hình như hoạt động hiệu quả của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Bình đã góp phần đưa Rau An Khê được cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Điều này làm tăng giá trị sản phẩm 5-10% so với trước, giúp HTX mở rộng thị trường và tăng thu nhập cho nông dân địa phương.
Thời gian gần đây, thị xã An Khê đã quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, từ đó tạo động lực giúp các HTX hoạt động hiệu quả. Những HTX mới thành lập cũng tích cực học hỏi những kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác.
Như HTX Nông nghiệp Tú An 1 ở xã Tú An hiện đang thu hút 52 thành viên tham gia. Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX, cho biết: Sau khi đi học tập mô hình HTX kiểu mới và được thị xã tạo điều kiện, chúng tôi đã đưa ra phương thức hoạt động với 2 loại hình kinh doanh là cung cấp vật tư nông nghiệp, thu gom, bốc xếp, vận chuyển mì, mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy trên địa bàn và sản xuất nông nghiệp.
HTX đã đầu tư mua trang thiết bị, máy móc, làm nhà màng, trồng cây dược liệu cà gai leo, thảo huyết minh; trồng rau thủy canh, rau củ thổ canh và ươm giống măng tây.
Để phát triển các HTX, thời gian tới thị xã An Khê sẽ tiếp tục tập trung triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, quy trình sản xuất cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp và thành viên HTX, cũng như mở lớp đào tạo giám đốc HTX nông nghiệp cho 25 cán bộ trẻ ở các HTX.
Thanh Loan