Cuộc sống gia đình anh Điểu Mé ở Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đổi thay từng ngày. Được sự quan tâm và hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, anh trở thành công nhân cạo mủ cao su cho đơn vị, với mức thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/tháng, theo hình thức ăn theo sản phẩm.
Cải thiện đời sống sau học nghề
Cách đây 2 năm, anh Điểu Mé là một trong 100 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Gia Mập được tham gia vào lớp dạy nghề, chăm sóc, khai thác cao su do huyện Bù Gia Mập phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 tổ chức.
Huyện Bù Gia Mập chú trọng phổ biến kiến thức về trồng trọt cho người dân tộc thiểu số (ảnh:TL) |
Lớp học này dạy cho các đồng bào thiểu số trong huyện kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su và các kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, như điều, tiêu, cà phê, sầu riêng…
Anh Điểu Mé phấn khởi cho biết: Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có đất sản xuất, không việc làm ổn định, nhà ở tạm bợ. Nếu không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền xã, huyện thì gia đình tôi không thể có nhà ở kiên cố, công ăn việc làm ổn định như hôm nay.
Thời gian qua, mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được chính quyền huyện Bù Gia Mập chú trọng và góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nghèo.
Hoạt động hiệu quả của một số HTX nông nghiệp trong huyện cũng góp phần tích cực vào việc tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như HTX nông nghiệp Bù Gia Mập có 136 thành viên với tổng diện tích 543,8 ha.
Là một HTX nông nghiệp ở vùng biên giới Bình Phước, với khoảng 85% xã viên là đồng bào dân tộc thiểu số, HTX này đang có thành quả tốt với mô hình điều hữu cơ, tiêu chuẩn Organic. Những hộ lao động là người S’tiêng khi tham gia HTX trong thời gian qua đã có hoạt động sản xuất khá hiệu quả.
Ông Điểu Hồng Mớt ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập đi tiên phong trong sản xuất điều sạch cho biết: “Từ 1 ha, nay tôi mua thêm 7 ha để trồng điều Organic. Duy trì bón phân chuồng 2 lần/năm nên vườn điều luôn đạt 1,8-2 tấn/ha và ít sâu bệnh.
Theo ông Mớt, từ khi tham gia HTX nông nghiệp Bù Gia Mập thì ông được kỹ sư nông nghiệp đến tận vườn “cầm tay chỉ việc”, từ bón phân, phun thuốc đúng quy trình đến không xịt thuốc cỏ, đốt lá tại vườn. Việc này giúp ông có thêm kiến thức, sản phẩm làm ra được công ty đến tận vườn thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường.
Nâng cao vai trò hiệu quả của HTX
Hoặc như gia đình anh Nghị ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, có 3 ha điều, xưa nay vẫn sản xuất theo kinh nghiệm chứ không biết đến trồng điều sạch. Sau khi cân nhắc, anh quyết định vào HTX. Sau đó, anh được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, năng suất vườn điều tăng từng năm.
Ngoài ra, trong huyện còn có thể kể đến các HTX đang hoạt động khá ổn định giúp lao động địa phương nâng cao kiến thức về chăm sóc cây trồng vừa cải thiện thu nhập, điển hình như: HTX nông nghiệp hữu cơ Đắk Ơ, HTX nông, lâm nghiệp dịch vụ Phú Văn, HTX kiểu mới Đa Kia, HTX nông nghiệp Đức Hạnh…
Nghề truyền thống của người S’tiêng ở Bù Gia Mập (ảnh:TL) |
Dân số của huyện Bù Gia Mập vào khoảng 85 ngàn người thì trong đó hơn 36% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2020, toàn huyện còn 2.171 hộ nghèo, chiếm 11,76%, giảm 1.492 hộ so với năm 2016.
Hồi năm ngoái, 150 hộ dân tộc thiểu số trên tổng số 1.323 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bù Gia Mập đã được huyện lựa chọn để xây dựng kế hoạch hỗ trợ thoát nghèo.
Theo đó, những hộ này sẽ được huyện hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người lao động gắn với giải quyết việc làm. Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã thống kê, rà soát chính xác nhu cầu học nghề của người lao động để đăng ký mở lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Về phía Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện thì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giúp họ có thêm kiến thức về chăm cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, để giúp các lao động là người dân tộc thiểu số thoát nghèo thì huyện Bù Gia Mập cũng nâng cao vai trò, hiệu quả của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Điều này nhằm giúp các thànhviên, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số biết tổ chức sản xuất theo đúng quy trình, mùa vụ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, từ đó nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định.
Thanh Loan