Những năm qua, dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ba Bể được coi là một trong những giải pháp góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Vai trò của HTX
Hiện nay, huyện Ba Bể có 14 HTX và hàng chục tổ hợp tác đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Các HTX đang phát huy tốt vai trò cầu nối trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, tiêu biểu như: HTX Yến Dương, HTX Sang Hà, HTX Phương Đức, HTX Đồng Lợi, HTX Phúc Ba, HTX Hoàng Huynh, HTX Nhung Lũy, HTX chè Mỹ Phương…
Các HTX phối hợp dạy nghề cho người dân địa phương. |
Không chỉ có đóng góp trong phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản, các HTX trên địa bàn huyện Ba Bể cũng đang thể hiện vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân.
Các HTX đã phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, để nâng cao trình độ cho các thành viên, thường xuyên tạo điều kiện để thành viên, người dân liên kết tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác, sơ chế sản phẩm, vận hành máy móc, thiết bị an toàn, hiệu quả…
HTX chè Mỹ Phương đang là đơn vị dẫn dắt, định hướng người trồng chè trong xã phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tạo điều kiện để sản phẩm chè của địa phương vươn xa.
Ngoài ra, tại xã còn có HTX Yến Dương, đến nay đã có 25 thành viên tham gia. HTX đã liên kết với 170 hộ tại địa phương trong hoạt động sản xuất. Các sản phẩm được HTX tập trung sản xuất và đưa ra thị trường có nguồn gốc tại địa phương như bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống mây tre đan, các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm...
Bên cạnh đó, HTX đã từng bước thay đổi hướng phát triển kinh doanh, áp dụng những kinh nghiệm mới trong tổ chức sản xuất cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năm 2020 có 30 thành viên của HTX và hộ dân đang thực hiện mô hình trồng cây bí thơm theo hướng hữu cơ.
Đào tạo nghề gắn với phát triển HTX
Đặc biệt, chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương, chia sẻ: HTX được thành lập, với mong muốn quy tụ các nghệ nhân lại để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các sản phẩm của HTX không chỉ để bán phục vụ đời sống của bà con tại địa phương mà còn được bán tại các hội chợ, triển lãm xúc tiến du lịch để giới thiệu sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương luôn coi trọng công tác dạy nghề trong phát triển HTX |
“Hiện nay, HTX đang xây dựng kế hoạch dạy nghề cho chị em phụ nữ, thanh niên, qua đó vừa gìn giữ được nghề truyền thống, vừa góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bà con”, chị Ninh cho biết thêm.
Có thể thấy, các HTX trên địa bàn huyện Ba bể thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công tác dạy nghề.
Vì vậy, huyện Ba Bể cho biết sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Để hỗ trợ thêm cho các HTX, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Bể đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề như nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò tại xã Bành Trạch; nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm tại xã Quảng Khê; lớp trồng và chăm sóc cây rau tại xã Địa Linh và Yến Dương; lớp thủy sản nước ngọt xã Yến Dương... Mỗi lớp có 30 học viên tham gia.
Trong thời gian tới, huyện Ba Bể cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tạo đào tạo nghề gắn với việc phát triển các HTX.
Thy Lê