Theo thống kê, trong 10 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 20.000 lượt hội viên, trong đó nhiều chị em đã học hỏi để trở thành những người có tay nghề vững, xây dựng thành công những mô hình sản xuất điểm ở địa phương.
Đa dạng phương án dạy nghề
Trước kia, kinh tế gia đình chị Nông Thị Biệt, ở thôn Bản Pỵat, phường Xuất Hoá (TP. Bắc Kạn) thuộc diện khó khăn vì chị không có việc làm ổn định, quanh năm chỉ bám đất, bám vườn.
Hoạt động dạy nghề tạo việc làm cho phụ nữ ở Bắc Kạn đang cho thấy hiệu quả rất tích cực (Ảnh TL). |
Sau khi tham gia lớp học kỹ thuật trồng nấm do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, chị Biệt được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm theo hướng an toàn sinh thái.
Đến nay, sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, nhờ sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp địa phương, gia đình chị sản xuất thành công nhiều loại nấm chất lượng cao như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi…
Sản phẩm của gia đình chị được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng, trở thành một trong những hộ làm kinh tế giỏi của phường Xuất Hoá.
Đặc biệt, với thành công của bản thân, chị Biệt đứng ra thành lập HTX Minh Anh, đang có 12 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, các cấp hội phụ nữ tỉnh còn tích cực kết nối với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn để nâng cao cơ hội việc làm cho hội viên, điển hình như Công ty TNHH May công nghiệp Bắc Kạn, Công ty TNHH công nghiệp Starhair…
Hội phụ nữ cũng phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em sản xuất các sản phẩm sau học nghề có cơ hội tham gia các hội chợ thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh, qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đáng chú ý, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã hỗ trợ thành lập hàng loạt HTX, tổ hợp tác điển hình tạo việc làm cho phụ nữ. Điển hình như HTX 20/10 sản xuất bún, phở khô tại xã Nông Hạ (huyện Chợ Mới) có 30 thành viên tham gia; HTX miến dong tại thôn Bản Lài, xã Côn Minh (Na Rì) có 30 thành viên; Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) có 25 thành viên tham gia.
Chú trọng hoạt động sau đào tạo
Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, việc kết nối với các doanh nghiệp, thành lập các HTX là hoạt động được đẩy mạnh sau đào tạo, nhằm tạo việc làm, tạo điểm tựa cho các hội viên xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.
Các hoạt động đào tạo và sau đào tạo sẽ được tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh (Ảnh TL). |
Đơn cử, sau khi được hỗ trợ thành lập, HTX 20/10 đã giúp hàng chục lao động nữ được học nghề tự tin khởi nghiệp với mô hình sản xuất bún khô, mang thương hiệu “sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị được thành lập năm 2013, hiện có 9 thành viên chính thức và 10 thành viên làm theo thời vụ đều là phụ nữ.
Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, các thành viên HTX gặp phải không ít khó khăn, lúc thì bún cháy, lúc thì ép bún ra không dỡ được. Để nâng cao tay nghề, Trung tâm Dạy nghề - Hội Phụ nữ tỉnh đã mở lớp đào tạo nghề sản xuất bún khô cho các thành viên.
Sau 3 tháng học nghề, chị em đã được cấp chứng chỉ và vận hành máy móc sản xuất bún khô thành thạo theo quy trình. Đồng thời, các chị em tham gia trực tiếp HTX được đi tham quan, học tập cách làm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh, từ đó tích lũy kinh nghiệm để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu của quê mình.
Đến nay, thành viên HTX không còn hộ nghèo. Sản phẩm bún khô của HTX đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” vào năm 2016. Để sản phẩm không bị làm nhái, HTX đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu, logo, mã số, mã vạch, thiết kế mẫu mã bao bì đủ tiêu chuẩn có thể đưa sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ học nghề, gắn với giải quyết việc làm đang như một luồng gió mới giúp cho đời sống chị em, nhất là lao động nữ nông thôn trên địa bàn tỉnh ổn định hơn. Một mặt giúp chị em có việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, mặt khác còn giúp chị em học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao nhận thức, vai trò của mình trong xã hội.
Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục nắm bắt, bám sát nhu cầu của hội viên nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.
Các cấp hội cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các lớp dạy nghề, để chị em phụ nữ được tham gia học tập, tăng cơ hội việc làm, có thu nhập ổn định.
Mỹ Chí