Xác định mục tiêu rõ ràng, những năm qua, huyện Na Hang đã và đang làm tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp; thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phát huy thế mạnh
Kể từ năm 2018 đến nay, Na Hang đã tổ chức thành công gần 20 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động nông thôn, 100% học viên đều là người dân tộc thiểu số. Công tác dạy nghề hiệu quả giúp các địa phương phát huy thế mạnh, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế điển hình.
Cụ thể, xã Hồng Thái đã xây dựng được 5 ha rau an toàn và 24 ha cây lê. Tại các xã Yên Hoa, Đà Vị, Sinh Long, Côn Lôn phát triển mô hình trồng đậu tương, đậu xanh; mô hình cải tạo chè Shan tại xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Na Hang, mô hình nuôi trâu vỗ béo tại xã Năng Khả...
Cùng với sự phát triển của các sản phẩm thế mạnh, hàng chục HTX nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện được hình thành. Các mô hình đã góp phần quan trọng trong đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Điển hình, trong lĩnh vực thủy sản, HTX Hoa Sen sau hơn 5 năm thành lập đang có những bước phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 40 lồng cá ban đầu, HTX Hoa Sen hiện đã có hơn 100 lồng, mỗi năm cung cấp ra thị trường 20 - 30 tấn cá thương phẩm, đem về doanh thu 3 - 5 tỷ đồng.
Với những tiềm năng to lớn, toàn huyện Na Hang đang có 5 HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác các dịch vụ từ thủy sản, với 280 lồng nuôi cá, tạo việc làm ổn định cho gần 250 lao động. Chính quyền địa phương cũng đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các HTX phát triển.
Hoạt động đào tạo nghề tại Na Hang đang hướng mạnh đến người dân tộc thiểu số |
Tăng cường hỗ trợ
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Na Hang cũng có nhiều HTX điểm trong dạy nghề, tạo việc làm như HTX Lũng Khiêng (xã Sinh Long) với sản phẩm chè Shan tuyết, HTX Sơn Phú (xã Sơn Phú), HTX Tân Hồng (xã Côn Lôn) với mô hình nuôi vịt bầu, HTX Tân Hợp (xã Hồng Thái) với mô hình trồng rau an toàn…
Ông Đặng Ngọc Phố - Phó Giám đốc HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái), chia sẻ: “Sau nhiều năm hoạt động dưới hình thức tổ hợp tác, tháng 6/2018, HTX chính thức được thành lập, với 8 thành viên”.
Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất, HTX đã chủ động mời cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, dạy nghề cho các hộ thành viên, hộ liên kết về kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bảo quản chè búp tươi theo tiêu chuẩn sản xuất chè hữu cơ.
Với những thành công đang có, huyện Na Hang đang thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, phát triển mô hình sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có 2.704 hộ được vay 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo và xây dựng NTM; 567 hộ vay trên 30,3 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh…
Đặc biệt, các mô hình sản xuất gắn với dạy nghề được phát triển mạnh trong lực lượng thanh niên. Những năm qua, huyện đã chủ động phối hợp tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho 350 đoàn viên thanh niên; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 240 thanh niên, trong đó đa số là thanh niên người dân tộc thiểu số.
Sáu Ngạn