Đăk Ang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), có 6 thôn, làng với gần 1.100 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 93%. Kể từ năm 2015 đến nay, nhờ hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là thành công của công tác dạy nghề nông thôn, đời sống của người dân liên tục được cải thiện.
Thêm kỹ năng, tăng thu nhập
Thôn Long Dôn là một trong những vùng có thế mạnh về trồng trọt tại Đắk Ang. Cuối tháng 9/2020, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hồi đã hoàn thành lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cà phê cho 35 lao động nông thôn tại xã.
Nhờ nâng cao trình độ, hiệu quả trồng cà phê ở Đắk Ang ngày càng được nâng lên (Ảnh TL). |
Trong thời gian 1 tháng tham gia lớp học, các học viên được dạy các kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê; cách lựa chọn giống phù hợp với địa phương; cách tạo tán, phòng và trị một số bệnh trên cây cà phê, bảo quản cà phê, phương pháp hạch toán kinh tế sau thu hoạch.
Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Ang, thành công của lớp học đào tạo nghề đã giúp cho lao động nông thôn tại xã nắm bắt và thực hiện đúng các thao tác cơ bản trong quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê, từ đó vận dụng các kỹ thuật đã học được thực hành vào thực tế để tăng nguồn thu nhập.
Anh A Bia, Tổ hợp tác nông nghiệp thôn Long Dôn, xã Đăk Ang, cho hay gia đình có nghề trồng cà phê từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng nên cây phát triển kém, năng suất, chất lượng thấp, thu nhập bấp bênh.
Năm 2020, sau khi được tạo điều kiện tham gia đào tạo nghề, anh A Bia quy hoạch lại vườn cà phê, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, giúp giá trị tăng gấp 2 – 3 lần.
“Sau khi học nghề, bên cạnh kiến thức học được, gia đình tôi còn được địa phương hỗ trợ giống mới để thay thế cho diện tích cà phê đã già cỗi, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến kiểm tra, hỗ trợ, nên vườn cà phê phát triển ổn định, thu nhập tăng”, anh A Bia hồ hởi nói.
Nâng cao độ phủ sóng
Không chỉ dạy nghề, nâng cao kỹ năng trồng cà phê, trong 5 năm qua, xã Đắk Ang đã phối hợp tổ chức hơn 20 lớp đào tạo nghề nông thôn cho gần 500 lượt lao động trên địa bàn, về kỹ năng trồng các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, mít xoài, hay kỹ năng chăn nuôi VietGAP, trồng rau màu, làm mì...
Xã sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực dạy nghề giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập (Ảnh TL). |
Ông Grinh, thôn Đắk Giá 2, xã Đắk Ang, chia sẻ trước đây, 3 sào lúa nước 1 vụ của gia đình thường xuyên bị hạn. Năm 2018, sau khi tham gia khóa đào tạo nghề trồng rau VietGAP, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, ông chuyển đổi 2 sào đất lúa sang trồng dưa leo, đậu cô ve và khổ qua.
Nhờ nắm chắc kỹ năng sản xuất, vườn rau phát triển ổn định, gần 3 năm qua, bình quân mỗi vụ ông Grinh thu về trên 30 triệu đồng, mỗi năm 2 – 3 vụ (tùy vào khả năng tích trữ nước tưới).
Theo ông Grinh, cái được lớn nhất của việc tham gia đào tạo nghề là người dân học hỏi được nhiều kiến thức, không còn “sợ cái này, sợ cái kia”, tự tin chuyển đổi mô hình nếu thấy không hiệu quả. Với thành công đang có, đầu năm 2021, ông tiếp tục chuyển diện tích lúa còn lại sang trồng rau màu.
Đang có được thành công tích cực, tuy nhiên hiện nay kinh tế xã Đăk Ang phát triển vẫn còn chậm, sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ vào khoảng hơn 30%.
Lãnh đạo UBND xã Đắk Ang cho biết, trước những khó khăn hiện tại xã mong muốn huyện tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, xã rất mong muốn các cấp, ngành sẽ hỗ trợ, mở thêm nhiều chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho người lao động.
Về phía địa phương, thời gian tới, xã sẽ tích cực hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các đơn vị phát triển mô hình cây ăn trái, mô hình VAC, cung cấp vật tư phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… tạo điểm tựa cho người dân phát triển sản xuất.
Nhật Minh