Các kết quả khảo sát cho thấy, trong xu hướng mở, doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển dụng được những nhân sự không chỉ có kiến thức, kỹ năng tay nghề tốt để phục vụ cho sản xuất, mà còn phải có những kỹ năng mềm cơ bản như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch...
Điều kiện cần và đủ
Sau hơn 2 năm theo học ngành điện công nghiệp và dân dụng của trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), anh Mai Đức Tân được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Hong Qiao, với mức lương cơ bản 8 triệu đồng/tháng.
Có kỹ năng mềm, ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên trường nghề dễ dàng tiếp cận với các nhà tuyển dụng, tăng khả năng thăng tiến. |
Anh Tân chia sẻ, khi ra trường, đi làm mới thấy tầm quan trọng của kỹ năng mềm như thế nào và rất cần thiết trong công việc. Người làm việc, ngoài kiến thức chuyên môn nếu có kỹ năng mềm tốt thì cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sẽ rất nhanh.
“Nhờ được tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, tình nguyện, các câu lạc bộ khi theo học, nên khi vào công ty, tôi nhanh chóng thích nghi với đồng nghiệp, các quản lý tin tưởng. Kết quả, chỉ sau một năm làm việc, tôi được đôn lên làm trưởng kíp, mức lương hiện tại đạt trên 12 triệu đồng/tháng, chưa kể trợ cấp”, anh Tân cho hay.
Ở góc độ nhà trường, ông Nguyễn Việt Vương, giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc) khẳng định, kỹ năng mềm không thể hình thành thông qua việc chỉ học lý thuyết.
Kỹ năng mềm là kết quả của quá trình nghiên cứu, đọc, tìm hiểu các kiến thức rồi tìm cách ứng dụng, cải tiến vào cuộc sống thường ngày. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động không chỉ cần kiến thức, kỹ năng nghề tốt, mà còn cần có kỹ năng mềm cũng như thái độ sống, thái độ làm việc tích cực.
Đặc biệt, người làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nếu giao tiếp ngoại ngữ tốt thì đó là một "chìa khóa" để mở cánh cửa phát triển sự nghiệp.
Theo giảng viên Nguyễn Việt Vương, nói riêng về kỹ năng mềm, đây là một vấn đề tương đối mới trong giáo dục, đặc biệt là với các trường nghề. Điều này được xem như "chiếc chìa khoá vạn năng" để giúp các bạn sinh viên giao tiếp, hợp tác và thể hiện năng lực cá nhân một cách hiệu quả nhất.
Cần sự quan tâm nhiều hơn
Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco, cũng nhấn mạnh đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ở nước ngoài còn đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo từ tiểu học. Thành công trong công việc thì kỹ năng mềm chiếm tới 75%. Trong các chương trình đào tạo nghề của ngành ô tô ở Úc, Pháp cũng đều yêu cầu nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
Các trường nghề cần đầu tư nghiêm túc hơn cho hoạt động đào tạo kỹ năng mềm, dạy ngoại ngữ cho sinh viên. |
Về phía cơ quan tuyển dụng, một quản lý nhân sự tại Công ty Nippo Mechatronics (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, trong xu thế hội nhập, người sử dụng lao động đặc biệt coi trọng các kỹ năng mềm. Bởi các nghiên cứu cho thấy, đây là một nhân tố đánh giá rất hiệu quả bên cạnh những kỹ năng công việc truyền thống - hay còn gọi là kỹ năng “cứng”.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, tiêu chuẩn để đánh giá nhân lực như sự tận tâm, hòa đồng cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với thành công trong nghề nghiệp, giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc.
Do đó, để xoá bỏ khoảng cách giữa lao động nghề và lao động có trình độ bằng cấp cao, người học nghề cần chú trọng nâng cao các kỹ năng mềm cần thiết. Học viên cần rèn luyện thái độ làm việc thực sự nghiêm túc, cầu tiến, sẵn sàng; duy trì tinh thần cống hiến, hết lòng vì công việc, coi trọng tập thể.
Rõ ràng, kỹ năng mềm và ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định thành công của sinh viên, học sinh trường nghề, tuy nhiên thực tế cho thấy việc sự đầu tư cho hoạt động đào tạo này còn thiếu, thậm chí là yếu.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ, từ quá trình thực hiện đào tạo học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy, có học viên sau khi ra trường đạt được trình độ cao, kỹ năng nghề tốt, kỹ năng mềm cũng rất tốt. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi, nhiều học sinh, sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm.
Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, các trường nghề, cơ sở đào tạo cần quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn trong việc hoàn thiện bộ kỹ năng mềm, từ đó giúp sinh viên, học sinh dễ dàng hòa nhập, phát huy hiệu quả lao động, đặc biệt là thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Mỹ Chí