Kỳ thi này cho thấy trình độ tay nghề cao chủ yếu tập trung ở các nước phát triển của châu Á và châu Âu với sự đầu tư lớn cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề nói riêng. Việc chuẩn bị cho đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi đã rất tốt, nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với các nước khác. Điều đó cho thấy, chúng ta cần phải đầu tư đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực tốt hơn.
Nhiều con số nổi bật
Các kỳ thi tay nghề quốc tế được đánh giá là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác, chia sẻ, giao lưu và hội nhập khu vực và thế giới để chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề. Thông qua đó, thúc đẩy phát triển đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, nhất là các kỹ năng mới, kỹ năng đỉnh cao cho người lao động.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, tại Hội thảo “Worldskills Kazan 2019 - Bài học trong đào tạo nghề nghiệp và huấn luyện thí sinh” được tổ chức sáng 25/10 tại Hà Nội, tham gia các cuộc thi tay nghề thế giới giúp Việt Nam cập nhật mô hình mới, hiện đại, hiệu quả về giáo dục nghề nghiệp, nhất là việc gắn kết doanh nghiệp, công nghệ mới, kỹ năng mới tương lai trong phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ.
Vụ Kỹ năng nghề cũng thống kê thành tích của Việt Nam tại các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế, trong đó, kết quả thi tay nghề quốc gia tăng từ số nghề thi 18 (năm 2010) lên 26 nghề thi (năm 2018), số giải Nhất cũng tăng tương ứng từ 31 lên 58.
Thành tích của Việt Nam tại cuộc thi tay nghề ASEAN tăng từ 4 Huy chương Vàng (năm 2010) lên 7 Huy chương Vàng (năm 2018), trong đó năm 2014, đoàn Việt Nam xếp thứ Nhất khu vực. Mới đây, đoàn Việt Nam vươn lên thành tích cao nhất với 1 Huy chương Bạc và 8 chứng chỉ xuất sắc so với thành tích 1 chứng chỉ xuất sắc vào năm 2007 tại cuộc thi tay nghề thế giới.
Ông Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội thảo “Worldskills Kazan 2019” |
Chú trọng đào tạo nghề
Kết quả trên là nhờ sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo các cấp từ Trung ương, bộ, ngành, tổ chức giáo dục nghề nghiệp, các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã có sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật huấn luyện tham dự các kỳ thi tay nghề thế giới.
Ông Trương Anh Dũng - Phó Cục trưởng, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết vấn đề phát triển kỹ năng, giáo dục nghề nghiệp được quan tâm ở rất nhiều quốc gia. Việt Nam đã có thời gian dài tham gia các cuộc thi Tay nghề thế giới. Những năm gần đây, chúng ta thường xuyên góp mặt vào nước có thành tích tốt trong khu vực.
Tuy nhiên, so với khu vực và các quốc gia phát triển trên thế giới, chất lượng đào tạo nghề của nước ta vẫn còn rất khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là cần phải đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tốt, tập trung các nguồn lực cho đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề.
Thực tế cho thấy, phát triển đào tạo nghề ở nước ta gặp phải không ít thách thức như nguồn chuyên gia kỹ thuật hạn chế và chủ yếu từ các cơ sở đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, huấn luyện, kinh nghiệm còn khá non trẻ. Trình độ nguồn nhân lực hạn chế về thể lực, khả năng thích nghi, thích ứng kỹ năng mềm, tính kỷ luật chưa cao. Sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Trong khi, công nghệ sản xuất trong nước còn hạn chế nên khó khăn trong việc cập nhật công nghệ tiên tiến.
Để công tác giáo dục và đào tạo nghề nghiệp tại Việt Nam hiệu quả và đáp ứng tốc độ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, Việt Nam cần đổi mới chương trình và phương thức giảng dạy theo công nghệ hiện đại và xu hướng mới; mời chuyên gia giỏi giao lưu với giảng viên, sinh viên cũng như phối hợp xây dựng chương trình giảng dạy.
Đào tạo kỹ năng chuyên môn phải gắn với trang bị kỹ năng mềm; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và nhu cầu thị trường lao động; nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp và thái độ tích cực của nguồn nhân lực.
Hà Xuyên