Đây cũng là tiêu chí để Kim Bảng duy trì các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới bền vững hướng tới nâng cao.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Do gia cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Kiều Thị Giang, xã Tân Sơn không tham gia học đại học, cao đẳng. Năm 2017, chị Giang được hỗ trợ tham gia học nghề may và được giới thiệu vào làm việc tại một công ty may ở cụm công nghiệp xã Kim Bình với thu nhập từ 5-5,5 triệu đồng/tháng.
Chị Giang cho biết, người lao động rất phấn khởi vì vừa được Nhà nước hỗ trợ học nghề miễn phí, vừa được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, đơn vị ở địa phương với thu nhập ổn định.
Lớp dạy nghề cho kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thú y cho lao động nông thôn tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng. |
“Đây chính là điều kiện, cơ hội để người dân chúng tôi có thể thoát nghèo, đồng thời đóng góp công sức vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, chị Giang cho biết.
Theo đánh giá của ngành LĐ-TB&XH huyện Kim Bảng, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 6.500 lao động mất việc hoặc ảnh hưởng đến việc làm do bị thu hồi đất để phục vụ xây dựng các dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, sân golf, Khu công nghiệp Đồng Văn IV, điển hình như 1.254,1 ha đất của 4.665 hộ dân thuộc các xã Đại Cương, Nhật Tựu, Khả Phong, thị trấn Ba Sao. Do vậy, việc tích cực triển khai thực hiện Đề án 1956 đã góp phần tạo điều kiện cho lao động được học nghề mới, có việc làm mới, từng bước bảo đảm cuộc sống.
Sau Duy Tiên, Kim Bảng là huyện thứ hai của tỉnh Hà Nam về đích nông thôn mới với 100% các xã đều bảo đảm tiêu chí lao động việc làm. Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 68%, trong đó 54,5% có chứng chỉ, bằng nghề.
Trong vòng 5 năm 2015-2020, toàn huyện có gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án 1956, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động. Các nghề đào tạo thu hút lao động nông thôn tham gia học, có việc làm hầu hết là những nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nhân viên phục vụ phòng, hướng dẫn viên du lịch, Caddy (phục vụ sân golf), thêu ren…
Để đạt được kết quả này, hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án, trong đó chú trọng việc điều tra, khảo sát, đề xuất bổ sung danh mục đào tạo nghề nghiệp, xây dựng định mức chi phí đào tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đề án, phổ biến các mô hình hiệu quả có thể áp dụng cho địa phương, tư vấn học nghề, việc làm miễn phí.
Nâng cao thu nhập cho người lao động
Bà Phạm Thị Mơ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH, huyện Kim Bảng cho biết đang trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bảo đảm bền vững… Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương những năm qua đã tác động tích cực đến đời sống, thu nhập của người lao động.
Hiện nay, số lao động nông thôn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp-thương mại-dịch vụ chiếm tỷ lệ gần 70%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 87 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Kết quả của đề án đã góp phần bảo đảm tiêu chí lao động việc làm đối với các địa phương thời gian qua, giúp các xã sớm được công nhận xã nông thôn mới. Huyện Kim Bảng cũng về đích nông thôn mới sớm trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.
Sau khi được dạy nghề, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định. |
Theo ông Lưu Trần Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng, thời gian qua, mặc dù chịu tác động của những dự án phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại khi bị thu hồi đất, nhưng lực lượng lao động nông thôn ở địa phương cũng có nhiều cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Toàn huyện hiện có 315 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn lao động trên địa bàn. Nếu người lao động được đào tạo tại chỗ, có tay nghề và kỹ năng tốt sẽ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó 65% có chứng chỉ bằng cấp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 86% tổng số lao động toàn xã hội…, Kim Bảng xác định phải đồng thời thực hiện song song Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và Khu công nghiệp Đồng Văn IV" giai đoạn 2019 - 2021.
Phương Nam