HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Định, xã Bình Định đang là một trong những điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương. Đến nay, HTX thu hút được gần 2.000 thành viên, hộ liên kết, xây dựng thành công 6 vùng cánh đồng lớn chuyên sản xuất nông sản sạch với lúa là cây chủ lực, tổng diện tích trên 300 ha.
Nâng cao trình độ lao động
Đại diện HTX Bình Định cho biết, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, HTX đang liên kết với doanh nghiệp để mở nhiều khóa dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo kỹ năng sử dụng máy móc cho thành viên, nông dân liên kết.
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp đang được huyện Kiến Xương đẩy mạnh, với sự tham gia tích cực của các HTX . |
Thống kê cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, HTX đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn, thu hút hơn 1.000 lượt lao động tham gia. Không chỉ có thành viên HTX, mà nông dân địa phương cũng được hưởng lợi từ chương trình tập huấn. Nhiều lao động sau khi tham gia tập huấn đã xây dựng thành công mô hình sản xuất của gia đình.
Đào tạo nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” đang giúp thành viên HTX phát triển sản xuất hiệu quả, giá trị bình quân đạt 110 - 120 triệu đồng/ha/năm. Trung bình mỗi năm, HTX tổ chức bao tiêu trên 2.100 tấn nông sản cho thành viên và hộ liên kết.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương, khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đang có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Toàn huyện Kiến Xương hiện có gần 40 HTX hoạt động hiệu quả, bình quân mỗi HTX có 1.000 - 2.000 lao động thành viên, hộ liên kết.
Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, trình độ của lao động trong các HTX ngày càng được cải thiện, trên 30% lao động đã nắm bắt kiến thức cơ bản về sản xuất công nghệ cao như sản xuất trong nhà kính, ứng dụng tưới nhỏ giọt, sử dụng thành thục các phương tiên máy móc hiện đại…
Điển hình, sau khi tham gia lớp học nghề trồng rau an toàn của HTX tại địa phương, ông Vũ Công Đáng, xã Thanh Tân hiện đang xây dựng thành công mô hình sản xuất mướp đắng VietGAP trên quy mô gần 2 ha.
“Được tham gia vào khóa tập huấn của HTX giúp tôi nắm bắt được kiến thức về sản xuất sạch, tự tin vào khả năng ứng dụng kỹ thuật mới như lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt…, từ đó nâng mức thu nhập bình quân lên gần 300 triệu đồng/năm”, ông Đáng chia sẻ.
Xây dựng giá trị bền vững
Không chỉ trong dạy nghề nông nghiệp, cùng với sự đồng hành của HTX, huyện Kiến Xương còn đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong các lĩnh vực may mặc, tiểu thủ công nghiệp gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. |
Đơn cử, thời gian gần đây, mô hình dạy nghề đan móc len sợi trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả cao, tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động, mức lương bình quân 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Kiến Xương đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm lên trên 90%. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các lao động được học nghề phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả.
Để hiện thực hóa mục tiêu, trong thời gian tới, huyện Kiến Xương dự kiến mở thêm nhiều lớp dạy nghề, khóa tập huấn, chú trọng giải quyết những tồn tại hạn chế như nhiều lao động đã được đào tạo nghề nhưng chưa có việc làm phù hợp, chất lượng đào tạo nghề không cao, chưa có những giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm sau đào tạo để thu hút người lao động...
Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề đến với người lao động; tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội; quan tâm công tác giáo dục định hướng, đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân, bảo đảm dạy nghề có địa chỉ, dự báo tốt nhu cầu việc làm...
Hưng Nguyên