Công ty TNHH Victory International Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất các loại giày thời trang cao cấp đầu tư vào Khu công nghiệp cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Long An.
Tận dụng nguồn lao động sẵn có
Thời gian qua, doanh nghiệp này đã phối hợp cùng với ngành LĐ-TB&XH ở Kiến Tường mở các lớp đào tạo nghề cho người dân địa phương. Công ty có nhu cầu cần khoảng 2.000 - 2.500 lao động có tay nghề độ tuổi từ 18 - 45, trong đó giai đoạn 1 cần khoảng 800 - 1.000 lao động.
Công ty TNHH Victory International Việt Nam góp phần đào tạo và tận dụng được nguồn lao động sẵn có ở Kiến Tường. |
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, đã góp phần tận dụng được nguồn lao động sẵn có, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực Đồng Tháp Mười và các khu vực lân cận.
Thông qua những lớp dạy nghề từ nhu cầu của doanh nghiệp như vậy đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thị xã Kiến Tường đang dồn lực phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Ngoài việc thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm, khu kinh tế này hứa hẹn là động lực để các xã vùng ven cửa khẩu như Bình Hiệp, Bình Tân phát triển các ngành nghề dịch vụ, góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Thị xã cũng chú trọng phát triển các HTX nông nghiệp và tổ hợp tác nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, thị xã triển khai các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với sự tham gia tích cực của HTX và thu hút sự học hỏi của nông dân.
Hiện nay, thị xã có 7.755ha lúa chất lượng cao, sản xuất 2 vụ/năm. Trong đó có 3.350ha lúa ứng dụng công nghệ cao (xã Thạnh Hưng, Bình Hiệp, Tuyên Thạnh, Bình Tân và Thạnh Trị).
Hồi năm ngoái, thị xã triển khai thực hiện 2 mô hình điểm tại xã Thạnh Hưng và Tuyên Thạnh, diện tích 100ha, có 33 hộ dân tham gia. Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình, đa số người dân bắt đầu thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống... Từ đó, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 3 - 4 triệu đồng/ha.
Đào tạo nghề theo thực tế
Theo ông Đặng Thành Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thạnh Hưng, việc sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao không tốn nhiều công sức, giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống nên kéo giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Những năm qua, thị xã Kiến Tường, thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, nhiều lao động ở địa phương có việc làm ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt.
Nông dân ở Kiến Tường học làm lúa công nghệ cao. |
Hầu hết các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được thị xã mở theo nhu cầu của người học và doanh nghiệp, cũng như có sự tư vấn, tổ chức của các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và cơ sở dạy nghề. Qua đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội.
Ngoài ra, UBND thị xã còn có văn bản chỉ đạo các cấp tiến hành điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để làm cơ sở triển khai kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của người lao động.
Là một nông dân từng tham gia các lớp tập huấn do thị xã tổ chức, ông Nguyễn Văn Kiệt, ngụ xã Tuyên Thạnh cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống nuôi ong, vì vậy, tôi chủ quan, không tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ong. Qua tham gia lớp tập huấn, tôi biết cách chăm sóc ong khi thời tiết chuyển mùa. Hiện nay, gia đình tôi nuôi khoảng 70 thùng, bình quân trừ chi phí, lãi trên 120 triệu đồng/năm”.
Thanh Loan