Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng những cây, con đặc sản trên cơ sở từ 3 tổ hợp tác (THT) là THT nuôi chạch sụn, THT trồng chuối tây Thái Lan; THT trồng rau cần, rau rút trên địa bàn, đầu năm 2018, HTX Sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa được thành lập.
Sản xuất theo chuỗi
Được sự tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, các thành viên đã cùng nhau bàn bạc thống nhất phương án sản xuất kinh doanh là chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị. Lợi thế nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, trong đó, HTX đứng ra làm cầu nối thành viên với người tiêu dùng.
Định hướng phát triển theo hướng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với lợi ích của các thành viên, HTX xây dựng lộ trình cụ thể trong quy trình phát triển đồng bộ, chủ động khâu nguyên liệu đầu vào, khâu tiêu thụ, nhằm đồng bộ công nghệ, sản phẩm.
Ông Mai Quang Kìn - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết: “Để phát triển ổn định theo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cho thành viên và nhân dân trong xã, HTX tích cực quảng bá sản phẩm và liên kết với các DN trong việc cung cấp cây, con giống và bao tiêu sản phẩm”.
Đối với mô hình nuôi cá chạch sụn, HTX đã hướng dẫn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật xử lý ao hồ, chăm sóc cá cho các thành viên. Cá chạch sụn là loài tương đối dễ nuôi nhưng HTX vẫn tuân thủ nghiêm ngặt về BVMT. Nước thải từ ao, bể nuôi cá được xử lý hóa chất trước khi xả vào hệ thống tiêu nước sinh hoạt chung. Xác cá chết được thu gom rồi đà oho sâ uchôn với vôi bột, đồng thời thực hiện tốt các khâu xử lý môi trường thu gom rác thải theo quy định, không sử dụng hóa chất độc hại. HTX cũng thả bèo trong ao nuôi để làm chỗ cư trú, ẩn nấp cho cá vào các ngày nắng nóng.
HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá chạch sụn với 1 DN ở tỉnh Nam Định, với giá thu mua là 80.000 đồng/kg. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ cá chạch sụn đạt 180 tấn, doanh thu đạt 14,4 tỷ đồng.
Đối với mô hình chuối tây Thái Lan và rau cần, rau rút, HTX hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng an toàn, chú trọng nâng cao chất lượng, không chú trọng mở rộng diện tích. HTX cũng thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn nên giảm tỷ lệ bờ bao, gia tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, tạo thuận lợi để thành viên liên kết với DN, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Về cung ứng vật tư, HTX đã mua phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, giống cây, con đầu tư cho các thành viên phục vụ sản xuất, cho ra thị trường những sản phẩm sạch, bảo đảm uy tín và chất lượng cao. Các sản phẩm của HTX đã được đăng ký thương hiệu bản quyền sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mô hình nuôi cá chạch sụn của HTX |
Nâng cao giá trị
Với những gì đang làm, HTX tiếp tục định hướng cho thành viên và người dân tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn, từ đó hình thành sự hiểu biết đầy đủ cho mọi người về phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững và cung cấp sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Để thuận lợi trong khâu đầu ra và nâng cao giá trị các sản phẩm, HTX chú trọng đến chế biến, đa đạng hóa các sản phẩm. Đối với cá chạch sụn, ngoài tươi sống, HTX còn bán cá chạch sụn đông lạnh, cá chạch sụn kho niêu đất, cá chạch sụn sấy…
“HTX đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy sấy cá chạch sụn với công suất 400kg cá tươi cho ra khoảng 100kg cá khô mỗi ngày. Sau khi đóng gói, hút chân không, sản phẩm cá chạch sấy khô của HTX có thể kéo dài thời gian bảo quản”, Giám đốc Mai Quang Kìn cho biết.
Đối với chuối tây, HTX cũng thực hiện sấy và ngâm rượu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thân cây chuối cũng được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc nên giúp các thành viên tiết kiệm vốn đầu tư.
Huyền Trang