Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder hoan nghênh việc thông qua nghị quyết, ông nói rằng Nghị quyết đã tạo dựng một công cuộc phục hồi mang tính bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách công. Nghị quyết đã vạch ra một đường hướng rõ ràng và toàn diện, tạo điều kiện cho các quốc gia biến ước vọng đạo đức và chính trị mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau thành hành động cụ thể.
Ảnh hưởng nặng nề tới việc làm của người lao động
Theo đại diện ILO, một trong những điểm nhấn của Nghị quyết muốn nhắc đến là đại dịch gây nên bởi virus corona (COVID-19) tác động sâu sắc tới nhân loại, nhấn mạnh mối tương quan liên hệ giữa mọi thành viên trong xã hội và giữa tất cả các quốc gia. Bên cạnh những tổn thất đau thương về người và những thiệt hại về sức khỏe của nhân loại và cộng đồng, đại dịch đã và đang gây nên những tác động nghiêm trọng tới việc làm.
Hội nghị của ILO cho rằng, cần thiết phải hành động cấp thiết và đồng bộ, kể cả trong bối cảnh đa phương, để đảm bảo mọi người trên toàn cầu được tiếp cận vaccine kịp thời, bình đẳng. |
Đại dịch làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và không hoạt động kinh tế, mất thu nhập từ lao động và kinh doanh, đặc biệt là trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Doanh nghiệp đóng cửa và phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; gián đoạn chuỗi cung ứng; tình trạng không chính thức và không ổn định về việc làm và thu nhập; những thách thức mới đối với sức khỏe, sự an toàn và quyền trong lao động và đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.
“Cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Phụ nữ là đối tượng chịu tổn thất đặc biệt nặng nề về công việc và thu nhập do họ chiếm số đông trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và nhiều người trong số họ vẫn phải làm việc ở tuyến đầu, đảm bảo sự vận hành của các hệ thống chăm sóc, các nền kinh tế và xã hội trong khi họ vẫn phải đảm nhận phần lớn những công việc chăm sóc không được trả lương, điều này càng cho thấy sự cần thiết của việc phục hồi đáp ứng yếu tố giới”, Nghị quyết nêu rõ.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng làm gián đoạn nghiêm trọng công tác giáo dục, đào tạo và việc làm của thanh niên, khiến họ khó tìm việc làm hơn và khó thành công hơn khi chuyển dịch từ giáo dục và đào tạo đến việc làm. Khó tiếp tục sự nghiệp học hành hay khởi nghiệp kinh doanh và dẫn đến nguy cơ giảm quỹ đạo thu nhập và thăng tiến trong suốt cuộc đời làm việc của họ.
Do đó, nếu không có sự phối hợp hành động của các chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động và cộng đồng quốc tế, các tác động mang tính khác biệt này sẽ còn tiếp tục kéo dài sau đại dịch. Đặc biệt, tác động sâu sắc tới việc đạt được công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người, bao gồm cả việc làm đầy đủ, năng suất và được tự do lựa chọn và sẽ tiếp tục đảo ngược những thành tựu cũng như làm suy yếu những tiến độ hướng tới đạt được những mục tiêu của Chương trình Nghị sự Liên Hợp Quốc 2030 vì Phát triển Bền vững.
“Cần thiết phải hành động cấp thiết và đồng bộ, kể cả trong bối cảnh đa phương, để đảm bảo mọi người trên toàn cầu được tiếp cận vaccine kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý an toàn và hiệu quả, cũng như việc điều trị và các biện pháp phòng ngừa như công nghệ y tế, các phương pháp chẩn đoán, trị liệu và các sản phẩm y tế khác liên quan đến COVID-19 được phân phối công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Đây là vấn đề thiết yếu đối với an toàn và sức khỏe nhằm hạn chế sự gia tăng bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau và để tái khởi động các nền kinh tế và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”. Đại diện ILO cho biết.
Tăng trưởng kinh tế bao trùm và việc làm phục hồi trên diện rộng
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những vấn đề được Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 109 của ILO nhấn mạnh là cần phải tạo ra nhiều việc làm với những cơ hội việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người, thông qua các đáp ứng chính sách việc làm tích hợp quốc gia, ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực công và tư và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo các mục tiêu xã hội và thúc đẩy đoàn kết, trong đó có các chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ mô, tài khóa và ngành, thúc đẩy bình đẳng và ổn định.
Đầu tư công và tư thích hợp cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nặng nề nhất như dịch vụ khách sạn, du lịch, giao thông, nghệ thuật và giải trí và một số cấu phần của lĩnh vực bán lẻ và những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc mở ra các cơ hội việc làm thỏa đáng như nền kinh tế chăm sóc, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng.
Hội nghị của ILO cũng nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện nhanh chóng phục hồi lĩnh vực du lịch và lữ hành bền vững có lưu ý tới đặc tính sử dụng nhiều lao động cũng như vai trò then chốt của lĩnh vực này ở các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, bao gồm cả các Quốc đảo nhỏ đang phát triển. Thúc đẩy đoàn kết toàn cầu bằng cách hỗ trợ các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn về tài chính và và tiền tệ do đại dịch gây ra hay đang có các khoản nợ nước ngoài không bền vững.
Hỗ trợ đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, tăng năng suất và cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ghi nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp bền vững trong việc tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và việc làm thỏa đáng.
"Nếu chúng ta không chú trọng giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng do khủng hoảng thì nguy cơ vô cùng hiện hữu là những hệ quả kinh tế và xã hội sẽ để lại vết sẹo lâu dài"
Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO
Ngoài ra, áp dụng các cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động giữ chân người lao động ngay cả khi hoạt động kinh doanh bị cắt giảm do đại dịch, chẳng hạn như áp dụng hình thức chia sẻ công việc, giảm thời gian làm việc, trợ cấp lương theo đối tượng, các biện pháp tạm thời áp dụng đối với nghĩa vụ đóng thuế và an sinh xã hội và tiếp cận các biện pháp hỗ trợ kinh doanh nhằm tiếp tục duy trì việc làm và thu nhập.
Tăng cường sức chống chịu của chuỗi cung ứng khả năng chống chịu đóng góp vào: Việc làm thỏa đáng; Tính bền vững của các doanh nghiệp dọc chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
ILO nhấn mạnh rằng, cần phải bảo vệ đầy đủ cho mọi người lao động, tăng cường đề cao các tiêu chuẩn lao động quốc tế và thúc đẩy việc phê chuẩn, thực hiện và giám sát các tiêu chuẩn đó, đặc biệt chú trọng đến những lĩnh vực mà khủng hoảng đã làm bộc lộ những khoảng trống nghiêm trọng. Ngoài ra, cần phổ cập an sinh xã hội, đối thoại xã hội…
ILO trong chiến lược để không ai bị bỏ lại phía sau
Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder cho rằng, tính hiệu quả và bền vững của công cuộc phục hồi từ COVID-19 sẽ phụ thuộc lớn vào phạm vi cũng như mức độ bao trùm về xã hội có thể đạt được. "Nếu chúng ta không chú trọng giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng do khủng hoảng thì nguy cơ vô cùng hiện hữu là những hệ quả kinh tế và xã hội sẽ để lại vết sẹo lâu dài, đặc biệt là đối với những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề hơn như thanh niên và phụ nữ cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, hiện là nguồn tạo phần lớn việc làm trên toàn thế giới".
ILO sẽ sử dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chiến lược phục hồi để không ai bị bỏ lại phía sau. |
Do đó, với sứ mệnh vì công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, ILO có vai trò lãnh đạo cùng với các đối tác và trong hệ thống quốc tế trong việc thúc đẩy một công cuộc phục hồi sau đại dịch COVID-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu. Thông qua nỗ lực tập trung đẩy mạnh thực hiện Tuyên bố Thế kỷ của ILO, ILO sẽ tăng cường trợ giúp nỗ lực phục hồi của các Quốc gia thành viên, tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức đa phương và các thiết chế quốc tế khác, đồng thời tích cực đóng góp vào những nỗ lực của hệ thống Liên Hợp Quốc để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.
Nhằm trợ giúp Chính phủ và các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động phát triển sau đại dịch, ILO sẽ sử dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chiến lược phục hồi để không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đạt được mục tiêu này, ILO sẽ tăng cường hỗ trợ các Quốc gia thành viên. Tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, phát triển việc làm và xã hội, tăng cường hỗ trợ xây dựng các chính sách và các cách tiếp cận: Khuyến khích đầu tư tạo việc làm; Tăng cường chính sách thị trường lao động chủ động; Thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững cho doanh nghiệp; Tăng năng suất thông qua đa dạng hóa và đổi mới; Khai thác tối đa tiềm năng của những tiến bộ công nghệ và số hóa bao gồm cả việc làm sử dụng nền tảng internet, tạo việc làm thỏa đáng và doanh nghiệp bền vững, cho phép sự tham gia rộng rãi của xã hội để hưởng lợi từ đó cũng như giải quyết những nguy cơ và thách thức mà quá trình này tảng tạo ra, trong đó có cả việc giảm mức độ chênh lệch về kỹ thuật số giữa con người và giữa các quốc gia.
Ngoài ra, ILO cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ người lao động, bao gồm tăng cường tư vấn chính sách, xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật thông qua: Quan hệ lao động lành mạnh và thúc đẩy các khung pháp lý và thể chế dựa trên các tiêu chuẩn lao động quốc tế bao gồm cả các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, đặc biệt chú trọng đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp với kinh nghiệm rút ra từ đại dịch COVID-19...
"Thúc đẩy các cơ hội phát triển kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hỗ trợ quá trình chuyển dịch hiệu quả từ giáo dục và đào tạo đến việc làm cho thanh niên. Tăng cường dịch vụ tư vấn, đào tạo và việc làm cho người lao động cao tuổi thông qua cơ sở vật chất, tư vấn và hỗ trợ để người cao tuổi có thể mở rộng và tối ưu hóa cơ hội việc làm có chất lượng tốt, năng suất và trong điều kiện lành mạnh cho đến khi nghỉ hưu và tạo điều kiện lão hóa lành mạnh", Nghị quyết Hội nghị của ILO nhấn mạnh.
Viết Chung