Giám đốc một HTX ở Tp.HCM cho biết, theo luật HTX 2012 thì các thành viên được góp vốn tối đa không quá 20% vốn điều lệ. Điều này rõ ràng là “nút thắt” khi có ít thành viên tham gia HTX thì sẽ không đủ vốn. "Như vậy thì làm sao HTX hoạt động được?", vị giám đốc HTX đặt câu hỏi.
Bất cập “tối đa”, chưa ra “tối thiểu”
Băn khoăn của vị giám đốc HTX này không phải không có lý, bởi với mức góp vốn tối đa như vậy trong nhiều năm nay thực tế đã không còn phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới của HTX. Chính vì vậy mà nhiều HTX mong muốn điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên trên 20% để khuyến khích tăng nguồn vốn huy động cho HTX.
Để tháo “nút thắt” về mặt góp vốn trong luật HTX năm 2012 thì cần bổ sung quy định “mức vốn góp tối thiểu của thành viên HTX, liên hiệp HTX”. |
Với vướng mắc từ quy định như vậy đang gây rất nhiều khó khăn cho tổ chức và hoạt động của HTX khi cần huy động vốn của thành viên có điều kiện góp vốn, trong khi không huy động thêm được vốn góp của thành viên ít vốn.
Bên cạnh vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực HTX cho rằng việc hướng dẫn thi hành Luật HTX 2012 chưa làm rõ mức vốn góp tối thiểu, dẫn đến tình trạng một bộ phận thành viên chỉ góp vốn mang tính hình thức.
Vì thế thành viên không trở thành người chủ thực sự của HTX, mà trở thành “thành viên hình thức”. Từ đó, mối quan hệ giữa các thành viên và HTX không gắn bó chặt chẽ, quyền làm chủ của thành viên từ đó cũng bị triệt tiêu.
Và điều đáng lo ngại từ chuyện bất cập này là HTX sẽ không còn mang bản chất của tổ chức kinh tế tập thể, mà thực chất nó đã trở thành tổ chức kinh tế gia đình, tổ chức kinh tế tư nhân, chỉ có một vài thành viên thực sự góp vốn, phần lớn đứng tên cả vợ và chồng nhằm lách luật, tranh thủ sự hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Theo giới chuyên gia, thành viên tham gia tổ chức kinh tế tập thể thì phải bỏ vốn ra để góp vốn thành lập tổ chức kinh tế tập thể. Thành viên ở đây là thành viên góp vốn (thành viên chính thức), không phải là thành viên hình thức hay thành viên liên kết, hợp tác…
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hơn nữa đó là “mức vốn góp tối thiểu của thành viên góp vốn như thế nào để thành viên góp vốn trở thành người chủ thực sự của tổ chức kinh tế tập thể”, đây mới là bản chất của vấn đề về kinh tế cần đặt ra để giải quyết.
Do đó, để tháo “nút thắt” khi sửa đổi luật HTX năm 2012 thì cần bổ sung quy định “mức vốn góp tối thiểu của thành viên HTX, liên hiệp HTX”.
Mặt khác, nhìn từ một số vụ việc gần đây có liên quan đến việc góp vốn vào HTX, liên hiệp HTX thì thấy rằng cần thiết để bổ sung trong luật HTX quy định “chỉ có thành viên góp vốn (thành viên chính thức) mới được quyền tham gia quản lý tổ chức kinh tế tập thể, HTX”. Có nghĩa là thành viên góp vốn (thành viên chính thức) mới được quyền biểu quyết.
Cụ thể là mỗi thành viên góp vốn (thành viên chính thức) có 1 phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên.
Nên bổ sung, sửa đổi hợp lý
Việc bổ sung quy định như trên được cho là phù hợp với tình hình mới khi bên cạnh việc phát triển thành viên góp vốn (thành viên chính thức) thì HTX, liên hiệp HTX còn coi trọng việc phát triển thành viên liên kết, hợp tác dưới nhiều hình thức đa dạng.
Cần bổ sung, sửa đổi một số quy định về góp vốn để giúp thành viên trở thành người chủ thực sự của HTX. |
Nhất là việc phát triển số lượng thành viên, bao gồm cả thành viên góp vốn và thành viên liên kết, hợp tác là tiêu chí, căn cứ quan trọng để ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho tổ chức kinh tế tập thể, HTX.
Và các thành viên liên kết, hợp tác không tham gia góp vốn và không được quyền tham gia quản lý tổ chức kinh tế tập thể, HTX. Họ chỉ thực hiện việc cam kết hợp tác với tổ chức kinh tế tập thể, HTX bằng một thủ tục “hợp đồng dịch vụ” hoặc “hợp đồng liên kết”, “hợp đồng hợp tác” được ký kết giữa hai bên.
Việc bổ sung quy định như thế sẽ phần nào khắc phục được tính bất cập, lỏng lẻo, kẽ hở khi hiện nay còn thiếu các quy định của pháp luật cụ thể rõ ràng, minh bạch trong việc các nhà đầu tư bên ngoài, thành viên liên kết có được phép hay không được phép góp vốn vào HTX, liên hiệp HTX.
Điều bất cập có thể thấy rõ từ vụ góp vốn “chui” vào Liên hiệp HTX thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) nhằm thôn tính tổ chức này đang được cơ quan điều tra ở Tp.HCM làm rõ.
Theo đó, có một số HTX vốn dĩ có lợi nhuận ít nhưng lại góp vốn lớn vào Saigon Co.op thông qua việc huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân ngoài HTX.
Đơn cử như việc góp vốn của HTX Tiêu dùng phường 14, quận 8 (Tp.HCM) vào Saigon Co.op. Các năm 2018, 2019 thì hiệu quả hoạt động của HTX này thấp, lợi nhuận sau thuế giảm và cũng không góp vốn vào Saigon Co.op. Nhưng đến tháng 1/2020 thì HTX bất ngờ góp một lần hơn 283 tỉ đồng vào Saigon Co.op.
Qua điều tra, trong số tiền 283 tỷ đồng góp vốn nêu trên thì có đến 280 tỷ đồng là phần góp của công ty Anh Tú Thy và 3,6 tỷ đồng huy động từ 6 thành viên mới vừa được kết nạp vào HTX.
Rõ ràng là hoạt động góp vốn đầu tư này làm dư luận nghi ngờ về ý đồ thôn tính khi không nhằm mục đích phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của HTX.
Ngoài các vấn đề trên, theo quy định hiện nay, thì số lượng thành viên có ít nhất của HTX là 7 và số lượng thành viên có ít nhất của liên hiệp HTX là 4. Giới chuyên gia cho rằng, với quy định như vậy lộ rõ sự bất cập, hạn chế, chưa tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX phát triển năng động và hiệu quả.
Do đó, để tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX phát triển năng động và hiệu quả thì cần thiết phải sửa đổi quy định: “Số lượng thành viên có ít nhất của HTX là 4 và số lượng thành viên có ít nhất của liên hiệp HTX là 3”, gắn với sửa đổi quy định “mức vốn góp tối đa và tối thiểu của thành viên HTX, liên hiệp HTX” cho hợp lý.
Cụ thể, nếu quy định số lượng thành viên có ít nhất của HTX là 4 thì mức vốn góp tối đa của thành viên là không quá 30% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của thành viên là không dưới 15% vốn điều lệ của HTX.
Đối với liên hiệp HTX, nếu quy định số lượng thành viên có ít nhất là 3 HTX thì mức vốn góp tối đa của HTX thành viên là không quá 40% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của HTX thành viên là không dưới 20% vốn điều lệ của liên hiệp HTX.
Ý nghĩa của quy định “mức vốn góp tối đa của thành viên HTX, liên hiệp HTX”, gắn với việc bảo đảm lợi ích của thành viên góp vốn (thành viên chính thức) theo nguyên tắc “tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX, liên hiệp HTX”.
Và mỗi thành viên được quyền biểu quyết 1 phiếu có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp ít hay nhiều và chức vụ của thành viên, HTX thành viên hoặc đại biểu thành viên.
Thanh Loan