Ông Trương Khắc Mẫn, xã Ea Nuôl, đang sở hữu trang trại chăn nuôi gần 500 con gà lai chọi và 50 con lợn lai chất lượng cao. Nhờ nắm vững kỹ thuật, tuân thủ quy trình chăn nuôi VietGAP, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Để chủ động giống, ông còn đầu tư lò để tự ấp trứng gà tại nhà.
Tạo hiệu ứng tích cực
Ông Mẫn chia sẻ, thời gian trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn, 2 vợ chồng đi làm thuê để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi các con ăn học nên lúc nào cũng thiếu trước hụt sau.
Học nghề chăn nuôi giúp các hộ ứng dụng vào thực tế, xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi hàng hóa (Ảnh TL). |
Năm 2017, sau khi được xã tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà và lợn do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên của huyện tổ chức, gia đình ông Mẫn đã áp dụng ngay kiến thức để xây dựng trang trại tổng hợp.
Theo ông Mẫn, không chỉ gia đình ông mà nhiều gia đình khác ở địa phương cũng có cuộc sống khá hơn nhờ được đào tạo nghề. Tại các lợp tập huấn ngắn hạn 2 - 3 tháng, người dân được truyền đạt những kiến thức chăn nuôi như thiết kế chuồng trại, cách chọn giống nuôi phù hợp, phương pháp lựa chọn thức ăn, phối trộn thức ăn, khẩu phần ăn cho vật nuôi theo từng giai đoạn…
Ngoài ra, các hộ tham gia tập huấn còn học cách phòng, chẩn đoán, điều trị một số loại bệnh thường gặp ở vật nuôi và được thực hành một số kỹ năng về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và tham quan một số chuồng, trại chăn nuôi điển hình trên địa bàn huyện.
Theo lãnh đạo xã Ea Nuôl, trong 5 năm qua, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện tổ chức gần 20 lớp đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt cho người dân, thu hút gần 300 lượt người tham gia.
Nhờ vào việc học nghề chăn nuôi cũng như tham gia các lớp tập huấn đã giúp người dân địa phương có được kiến thức cho người dân về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Nhất là với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao như ở Đắk Lắk thì việc phòng chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm, bảo vệ đàn vật nuôi trước ảnh hưởng của thời tiết là rất quan trọng, tránh gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi.
Liên kết phát triển nghề
Bên cạnh việc chú trọng đào tạo nghề chăn nuôi, xã Ea Nuôl cũng quan tâm phát triển các HTX trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm thu hút lao động sau học nghề liên kết tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác.
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân trong xã (Ảnh TL). |
Điển hình như HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Quân Vương Đắk Lắk, được thành lập năm 2017, có tiền thân là một trang trại chuyện chăn nuôi và ấp nở giống gia cầm.
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện về nhiều mặt của chính quyền các cấp trong quá trình hoạt động, HTX đã xây dựng hệ thống nhà xưởng máy móc thiết bị phục vụ cho quá trình chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất sản phẩm, giúp người lao động tiếp thu công nghệ tiên tiến, nâng cao tay nghề, đặc biệt giúp nhiều người trẻ có cùng chí hướng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Anh Hoàng Minh Tuấn, Giám đốc HTX chia sẻ: “Hàng năm, HTX đã tổ chức các đợt tập huấn về vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm cho tất cả thành viên và người lao động của HTX. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ nhân viên đi tham quan các địa điểm chăn nuôi điển hình để học hỏi và mở rộng tầm nhìn. Bên cạnh đó, HTX hỗ trợ chi phí con giống, thức ăn và thuốc thú y cho các hộ thành viên trong quá trình chăn nuôi, giúp người lao động tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.
Cũng có thể kể đến HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông Buôn Đôn đang là điểm tựa giúp nhiều nông dân, ngư dân trên địa bàn thôn Tân Phú phát triển thành công mô hình nuôi cá trên hồ Thủy điện Sêrêpốk 3.
Theo đó, bên cạnh giúp thành viên khai thác lợi thế của mặt hồ, đất quanh hồ trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, HTX còn khai thác mặt hồ phát triển du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan, trải nghiệm làm nông nghiệp.
Những nỗ lực của HTX trong hơn một năm hoạt động đã tạo nên sự chuyển mình đáng ghi nhận ở một vùng đất còn nhiều khó khăn. Đến nay, HTX đã có 37 thành viên, tất cả đều yên tâm chuyển đổi, mở rộng sản xuất theo đúng định hướng của HTX và đã nâng cao đáng kể thu nhập so với trước kia.
Rõ ràng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã Ea Nuôl đang phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác. Trong thời gian tới, dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của xã trong quá trình chuyên đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Nhật Minh