Phú Mỹ là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Tú mở hàng chục lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi cho hàng trăm lượt lao động.
Dạy nghề sát thực tế
Theo thống kê, trong hơn 2 năm qua, xã đã phối hợp tổ chức thành công trên 10 khóa đào tạo nghề ngắn hạn từ 1 - 3 tháng cho hơn 100 lượt lao động tại địa phương. Các lớp tập huấn chủ yếu hướng vào nâng cao kỹ năng sản xuất lúa, trồng nấm, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Phú Mỹ đang triển khai các chương trình đào tạo nghề sát với thực tế địa phương (Ảnh TL). |
Qua các lớp học, các học viên nắm bắt kỹ thuật trong việc trồng trọt, chăn nuôi, từ đó ứng dụng vào thực tế trong quá trình sản xuất. Người lao động sau khi học nghề tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân địa phương cùng thực hiện nhằm phát triển kinh tế.
Ông Trần Phươl, ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ từng được tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Tú tổ chức vài năm trước, nay trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã, kinh tế gia đình vươn lên khá giả.
Ông Phươl cho biết: “Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn bò. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi bò, cao hơn gần gấp đôi so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia".
Cũng hưởng lợi từ chương trình đào tạo nghề nông thôn của xã, ông Hoàng Văn Khoa đang phát triển thành công hơn 1 ha trồng lúa cao sản, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 120 triệu đồng, gấp 2 lần so với trước khi được tập huấn kỹ thuật.
Theo ông Khoa, những thành công hiện tại là nhờ vào năm 2018, ông được xã tạo điều kiện tham gia lớp dạy nghề nông nghiệp của huyện, qua đó tiếp cận với kỹ thuật sản xuất lúa hàng hóa, ứng dụng hiệu quả máy móc hiện đại, khoa học – công nghệ mới.
Đơn cử, sau khi tham gia đào tạo, nắm vững kỹ năng sử dụng máy cày, ông Khoa đã mạnh dạn đầu tư múa sắm 1 chiếc máy cày công suất lớn, vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa cung cấp dịch vụ cày thuê cho người dân trong xã, tạo thêm nguồn thu đáng kể.
Mở rộng lĩnh vực đào tạo
Nhờ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã Phú Mỹ liên tục tăng qua từng năm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã chỉ vào khoảng 17% thì đến năm 2020 đã đạt xấp xỉ 50%.
Cùng với nông nghiệp, xã Phú Mỹ chủ động đẩy mạnh dạy nghề tiểu thủ công truyền thống (Ảnh TL). |
Không chỉ có các ngành nghề nông nghiệp, xã Phú Mỹ cũng đang chú trọng dạy nghề truyền thống như đan đát, may, mộc dân dụng, điện dân dụng…
Chị Trần Thị Thi, thành viên Tổ hợp tác đan lục bình xã Phú Mỹ chia sẻ, trước đây vì không có điều kiện để học nghề đến nơi đến chốn, công việc đan đát truyền thống của gia đình chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống.
Năm 2017, chị Thi vào Tổ hợp tác và được tạo điều kiện tham gia khóa học đan lục bình chuyên nghiệp kéo dài 4 tuần. Tay nghề được nâng cao, chị có thể làm được những sản phẩm tinh xảo mà trước nay chưa từng làm.
“Tuy chưa khá giả, nhưng nghề đã giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống và nuôi con cái khôn lớn. Nghề đã gắn bó và có tác dụng thiết thực trong cuộc sống của gia đình, nên tôi mong nghề này sẽ còn mãi”, chị Thi tâm sự.
Đáng chú ý, huyện Mỹ Tú cũng đang chú trọng phát triển HTX và chú trọng đào tạo nghề trong lĩnh vực kinh tế này. Điển hình, năm 2020, xã đã thành lập HTX Nông sản Phú Mỹ, dựa trên sự hỗ trợ của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST).
Cũng cần nói thêm, những khởi sắc trong đào tạo nghề ở Phú Mỹ đến từ những chính sách đẩy mạnh dạy nghề nông thôn huyện Mỹ Tú. Cụ thể, trong năm 2019, huyện đã đào tạo nghề cho 2.526 lao động, đạt 114,81% kế hoạch. Năm 2020, huyện giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động và dạy nghề cho 2.200 người…
Với kết quả hiện tại, thời gian tới, bên cạnh việc đào tạo những nghề nông thôn phù hợp với nông dân, lao động nhàn rỗi, xã Phú Mỹ sẽ tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn lực khuyến công để tổ chức đào tạo nghề cho lao động địa phương.
Mặt khác, xã sẽ chủ động đưa ra các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hình thức nâng cao, bảo đảm trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của HTX, doanh nghiệp, qua đó giải quyết việc làm cho số lao động được đào tạo.
Hưng Nguyên