Trong quá trình triển khai, thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp với ngành LĐTB&XH, NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh lồng ghép các chương trình đào tạo nhằm tăng tỷ lệ LĐNT, đặc biệt là lao động nữ được tham gia các lớp học nghề.
Tạo sự đồng thuận
Ðối với Điện Biên, công tác đào tạo nghề cho LÐNT là cả một quá trình bởi học viên phần lớn là người dân tộc thiểu số, tập quán sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp nên thường e ngại khi tiếp xúc với những kiến thức mới.
Nhiều LĐNT chưa thông thạo tiếng phổ thông, nhận thức về lao động, việc làm còn hạn chế nên để có được hiệu quả, công tác đào tạo nghề của tỉnh đã dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động, từ đó chú trọng vào đào tạo nghề ở lĩnh vực nông-lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng xã, huyện để tạo sự đồng thuận.
Tỉnh cũng linh hoạt với nhiều phương thức đào tạo, như: Đào tạo tập trung, đào tạo lưu động tại các cụm xã, liên kết đào tạo, kèm cặp truyền nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, lấy thực hành làm trọng tâm.
Học nghề dệt nhiều phụ nữ có thêm thu nhập |
Các ngành LĐTB&XH, NN&PTNT và Liên minh HTX đã phối hợp với các trung tâm, dự án, doanh nghiệp, HTX mở các lớp dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, thêu thổ cẩm, may mặc, chế biến nông sản, thực phẩm … nhằm tạo việc làm ổn định cho LĐNT.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết: Cái được lớn nhất từ đào tạo nghề là người dân đã thay đổi được nhận thức, hành vi trong sản xuất, chăn nuôi. Phần lớn LĐNT đã mạnh dạn sản xuất nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề. Nhiều LĐNT đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 của Chính phủ, từ năm 2014 đến cuối năm 2018, tỉnh Điện Biên đã đào tạo nghề cho trên 35 nghìn người, trong đó hơn 24 nghìn người được hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo chính sách của Đề án 1956.
Theo đó, toàn tỉnh đã có 35.066 người được đào tạo nghề. Số người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp là trên 19 nghìn người, chiếm 77,8%; người lao động học nghề phi nông nghiệp là hơn 5 nghìn người, chiếm 22,2%. Trong đó, số lao động nông thôn là nữ chiếm 55%; số lao động là dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề chiếm 74,44%.
Khẳng định chất lượng
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề tại Điện Biên có những thành công trên có là nhờ liên kết tốt với doanh nghiệp, HTX. Trong đó, tỉnh đã phối hợp với Nhà máy may xuất khẩu Hiệp Hưng (Bắc Ninh), công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên, công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé (Ðiện Biên)… Những doanh nghiệp này mỗi năm có nhu cầu đào tạo nghề 600-800 lao động nên đã phối hợp với địa phương, ký hợp đồng với số lượng cụ thể để đào tạo nghề, tạo việc làm cho LĐNT.
Đối với khu vực HTX, tỉnh chú trọng gắn đào tạo nghề với các dự án, công tác xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, xây dựng HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị… nhằm tạo hiệu quả trong và sau khi kết thúc đào tạo nghề. Đây cũng là khu vực có đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nghề của tỉnh.
THT Nuôi vịt bầu xã Luân Giới phát triển chăn nuôi tập trung |
Theo Liên minh HTX tỉnh, nhiệm kỳ vừa qua, toàn tỉnh đã có trên 130 Tổ hợp tác (THT) và 123 HTX thành lập mới, nâng tổng số THT lên 410, HTX lên 200. Các THT, HTX đã thu hút và tạo việc làm cho 13 nghìn thành viên và người lao động. Những HTX, THT thành lập mới hoạt động trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; thương mại dịch vụ; vận tải... Trong đó, lĩnh vực hoạt động chủ yếu vẫn là nông nghiệp.
Tiêu biểu như HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái xã Thanh Nưa có 30 thành viên. Liên minh HTX tỉnh và địa phương đã tổ chức tập huấn, đào tạo nghề hỗ trợ trang thiết bị để HTX sản xuất. Đến nay, HTX đã có khu trưng bày quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tới các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh… góp tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và hàng chục lao động địa phương.
Ngoài ra, còn có các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi thỏ, nuôi dê, nuôi nhím, nuôi gà đen, mô hình THT Nuôi vịt bầu xã Luân Giới và THT Mây tre đan xã Nậm Kè… mỗi năm tạo việc làm cho hàng trăm LĐNT.
Như Yến