Mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà đã phối hợp với UBND xã Đăk Pxy mở lớp đào tạo nghề nuôi heo sọc dưa (heo rừng lai) cho nông dân trên địa bàn xã.
Triển vọng nghề nuôi heo rừng lai
Tham gia lớp đào tạo có 27 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn xã Đăk Pxy. Trong thời gian gần 3 tháng, các học viên được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách nhận biết đặc điểm các giống heo để lựa chọn làm giống.
Các học viên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phát hiện các loại bệnh thường gặp trên đàn heo nói chung và đàn heo sọc dưa nói riêng theo từng chu kỳ sinh trưởng và phát triển; thực hành sử dụng các loại vắc xin, cách tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại gia đình.
Việc đào tạo nghề nuôi heo sọc dưa mở hướng thoát nghèo cho người dân xã Đăk Pxy. |
Mô hình nuôi heo sọc dưa ở xã Đăk Pxy dù mới được triển khai gần đây nhưng bước đầu cho thấy nhiều triển vọng, mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Hiện nay, ở xã có 24 hộ dân tham gia mô hình, trong đó có gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Đăk Rơ Wang. Thông qua việc ứng dụng vào thực tế sau khi học nghề chăn nuôi, chị Loan cho biết đã mang lại hiệu quả khá cao. Đàn heo thịt gồm 12 con của gia đình chị lớn rất nhanh, con to nhất đạt trọng lượng khoảng 30kg.
Theo ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxy, thời gian qua, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo sọc dưa cho bà con trong xã.
Nhờ đó, người dân nắm rõ về quy trình kỹ thuật, các biện pháp chăn nuôi giống heo này nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Địa phương cũng đã tổ chức các chuyến tham quan cho bà con để học hỏi mô hình nuôi heo sọc dưa tại Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô…
Không chỉ ở xã Đăk Pxy, mô hình nuôi heo sọc dưa đang hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trên địa bàn Đăk Hà trong thời gian tới.
Ngoài việc đào tạo nghề nuôi heo sọc dưa, trong năm 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà còn tổ chức 11 lớp đào tạo nghề khác (nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò; trồng và chăm sóc chanh dây…) cho 324 lao động nông thôn, dân tộc thiểu số ở các xã trên địa bàn huyện.
Hàng ngàn lao động có việc làm sau học nghề
Để công tác đào tạo nghề được hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức các lớp học tại các thôn (làng), Trung tâm còn xây dựng một số mô hình điểm để phục vụ công tác giảng dạy như: mô hình chăn nuôi heo sọc dưa, mô hình nuôi gà, mô hình trồng nấm...
Trong 10 năm (2010 - 2020) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Đăk Hà, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức đào tạo 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 5.879 lao động nông thôn (đạt 117,5% kế hoạch).
Nhờ được đào tạo nghề trồng và chăm sóc cà phê đã giúp dân tộc thiểu số ở Đăk Hà nắm vững tốt kỹ thuật canh tác. |
Bên cạnh đó, Trung tâm còn giúp trên 5.000 lao động có việc làm sau khi được đào tạo, 666 hộ dân có lao động tham gia học nghề thoát nghèo, 272 hộ dân có lao động tham gia học nghề có thu nhập khá.
Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm còn phối hợp với các doanh nghiệp, HTX tổ chức đào tạo được 1.691 lao động với các ngành nghề: Trồng và chăm sóc cà phê, trồng nấm, cạo mủ cao su, nề hoàn thiện, vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp. Từ các lớp đào tạo này, đã có nhiều lao động nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp, tham gia vào các HTX nông nghiệp.
Hiện nay, nhiều HTX ở Đăk Hà đang đẩy mạnh việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này rất được xem trọng.
Điển hình như HTX Nông nghiệp và Sản xuất, Thương mại Sáu Nhung ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đã xác định phát triển sản phẩm cà phê phải đảm bảo các tiêu chuẩn sạch và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất. Đến nay, trong số 300 ha do HTX quản lý sản xuất có 51 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và HACCP.
Từ năm 2018 đến nay, nhờ áp dụng công nghệ nên HTX đã giảm chi phí đầu tư khoảng 30% so với trước, nâng lợi nhuận trên diện tích đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT HTX Sáu Nhung, bày tỏ mong muốn của HTX là được hỗ trợ cán bộ có trình độ chuyên môn về làm việc cho HTX trong thời gian tới.
Thanh Loan